Phạt “nguội” người đi xe máy vi phạm giao thông: Vẫn gặp nhiều khó khăn
Phạt “nguội” là hình thức xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát được áp dụng từ lâu, song hầu hết ở các địa phương trên cả nước mới chỉ áp dụng hình thức này đối với xe ô tô. Việc phạt nguội đối với xe máy còn ít do nhiều nguyên nhân xuất phát từ thực tiễn.
Mới đây tại cuộc họp trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I, triển khai nhiệm vụ quý II năm 2024, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá, hiện nay, xử phạt nguội ô tô đã làm rất tốt; trong khi đó vi phạm của người điều khiển xe máy xảy ra rất nhiều, nhất là lỗi vượt đèn đỏ khá phổ biến mà chưa bị xử lý. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị cần tăng cường kiểm soát, có hình thức xử phạt "nguội" đối với phương tiện này.
Lý giải về điều này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, xe máy vẫn là phương thức đi lại chủ yếu của người dân, chiếm tới 80 - 90% lưu lượng giao thông trên đường, việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian tới.
Hệ thống camera giám sát trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trong khi lực lượng chức năng với quân số quá mỏng, thì việc áp dụng xử lý vi phạm giao thông qua hệ thống camera phạt "nguội" được xem là biện pháp hiệu quả để kiềm giảm TNGT. Nếu như đối với ô tô, quá trình mua, bán được các bên chấp hành nghiêm quy định việc sang tên, đổi chủ thì đối với xe máy hầu như chưa được quan tâm, dẫn tới gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác minh thông tin, nhất là đối với những phương tiện đã qua nhiều đời chủ. Thêm vào đó, chủ ô tô vi phạm giao thông bắt buộc phải nộp tiền phạt mới được đăng kiểm định kỳ, trong khi đó, xe máy không phải đăng kiểm, nên chủ xe vi phạm thường phớt lờ nộp phạt.
Với số lượng phương tiện chiếm phần lớn trong tổng số phương tiện tham gia giao thông trên đường nên các vụ va chạm và tai nạn liên quan đến xe máy vẫn chiếm số nhiều. Cả nước hiện có hơn 70 triệu chiếc xe máy. Năm 2023, toàn quốc xảy ra 21.880 vụ TNGT, trong đó phương tiện gây ra nhiều vụ TNGT nhất là xe máy, chiếm hơn 60%. Riêng quý I năm 2024, trong số gần 6.500 vụ TNGT xảy ra, thì xe máy gây tai nạn đến gần 57%. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng việc phạt “nguội” xe máy là cần thiết, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông và kéo giảm TNGT. Còn tại tỉnh Đắk Lắk có tổng số phương tiện đang quản lý là 1.748.294 xe, trong đó xe máy 1.572.967 chiếc (chiếm gần 90% tổng số phương tiện toàn tỉnh). Theo thống kê về tình hình TNGT 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 98 vụ TNGT, làm chết 65 người, bị thương 65 người. Trong đó, có đến 69 vụ (chiếm 70%) do xe máy gây ra.
Xe máy vi phạm giao thông bị tạm giữ tại Kho tạm giữ phương tiện Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh). |
Từ năm 2015, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) bắt đầu triển khai kế hoạch xử phạt vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát khu vực nội thành Buôn Ma Thuột. Qua công tác theo dõi tình hình trật tự an toàn giao thông bằng hệ thống giám sát, 3 tháng đầu năm 2024, Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện và gửi 738 thông báo xử lý vi phạm giao thông, ra quyết định xử phạt 299 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước hơn 935 triệu đồng. Tuy nhiên, các trường hợp phát hiện, xử lý chủ yếu tập trung vào ô tô, tỷ lệ xe máy bị xử phạt qua hệ thống camera giám sát chưa nhiều.
Thực tế khi tham gia giao thông không khó để bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe máy vi phạm các lỗi như: đi không đúng phần đường, làn đường; không tuân thủ đèn tín hiệu, biển báo, hiệu lệnh giao thông; chạy quá tốc độ cho phép, thậm chí một số trường hợp còn lạng lách, đánh võng… Trong khi lực lượng chức năng quân số mỏng, ý thức chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn thấp thì hệ thống camera giám sát được xem là “mắt thần” góp phần ngăn ngừa các lỗi vi phạm phổ biến và kiềm chế TNGT tại các vị trí, nút giao nguy hiểm.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc