Multimedia Đọc Báo in

Người dân khốn khổ vì 1 km đường làm mãi không xong!

08:24, 12/11/2024

Sau gần 4 năm thi công, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột vẫn ngổn ngang, nhất là ở đoạn đầu tuyến, khiến cuộc sống người dân khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Đường biến thành “ao”

Mục sở thị tại khu vực nút giao Quốc lộ 14 với đường tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) cho thấy, tuyến đường xuất hiện chi chít “ổ voi”, “ổ gà”, khiến người dân và phương tiện đi lại hết sức khó khăn và vất vả.

Đáng nói, trước cửa nhiều nhà dân, đơn vị thi công đào những hố sâu, ngày mưa ngập đầy nước, có vị trí ngập hết bánh xe ô tô con, còn những ngày nắng, đường bụi mù mịt, đất đá lởm chởm. Nhiều nhà dân phải cửa đóng, then cài cả ngày, các cửa hàng buôn bán phải tạm dừng hoạt động do không có đường vào, thưa vắng khách.

Phương tiện lưu thông qua vị trí đường thi công dở dang ngập gần hết bánh xe.

Ông Nguyễn Thanh Trúc (ở xã Cuôr Đăng) có nhà nằm trên mặt tiền tuyến đường nói trên ngán ngẩm cho biết, gia đình ông sinh sống tại đây đã hơn 30 năm, khi hay tin có chủ trương Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường, gia đình ông và nhiều hộ dân khu vực này đều rất phấn khởi và kỳ vọng tuyến đường sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Song gần 4 năm qua, sau khi nhà thầu đào xới, bóc hết lớp trên của mặt đường hiện trạng rồi bỏ dở, cuộc sống của các hộ dân bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thời điểm tuyến đường bị đào xới, gia đình ông bán đồ ăn sáng, hiện tại không thể tiếp tục buôn bán vì không có lối vào nhà. Mùa mưa, mỗi lần có xe tải lớn lưu thông qua, bao nhiêu bùn đất, nước bẩn tràn vào sân.

 

Liên quan đến dự án này, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội nhận và đưa hối lộ đối với ông Phạm Văn Hạ, nguyên Giám đốc Ban tỉnh và ông Bùi Văn Từ, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (trước đây là Phó Giám đốc Ban tỉnh) và hai giám đốc doanh nghiệp thi công dự án.

Cạnh nhà ông Trúc, bà Nguyễn Thị Tý cũng không kém phần bức xúc khi mỗi lần bước chân ra khỏi nhà là bùn lầy, bụi bẩn và phải đối mặt với nguy hiểm. Đây là tuyến đường nối với Quốc lộ 26 sang huyện Krông Pắc nên hằng ngày xe tải lớn lưu thông liên tục, nhà có cháu nhỏ nên lúc nào cũng phải đóng chặt cổng để bảo đảm an toàn. Nếu đoạn đường không sớm được thi công trở lại thì cuộc sống của các hộ dân nơi đây còn bị xáo trộn nhiều, khổ sở nhất là mỗi lần đưa cháu đến trường và từ trường về nhà, dù khoảng cách từ nhà bà ra Quốc lộ 14 chỉ chừng 300 m, song mặt đường bị đào quá sâu tạo thành ao nước ngay trước nhà nên hễ bước chân ra đường là ướt sũng, bẩn thỉu.

"Đi không được - ở không xong"

Hàng chục năm nay, vợ chồng bà Lê Thị Hiền trang trải cuộc sống hằng ngày từ việc buôn bán nước giải khát. Thế nhưng, từ ngày tuyến đường trước nhà bị đào xới rồi bỏ dở khiến việc buôn bán trở nên ế ẩm, sinh hoạt thường nhật bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Gia đình bà thuộc diện thu hồi đất và bố trí đất tái định cư ở khu vực khác. Tuy nhiên, bà không hiểu vì lý do nào đến thời điểm hiện tại gia đình cũng chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và chưa biết cụ thể về giá đất ở khu tái định cư. "Đi không được, ở không xong" là tình cảnh chung của gia đình bà và hàng chục hộ dân ở khu vực này.

Theo bà Hiền, khi làm đường mới, các hộ dân đều thống nhất cao với chủ trương của Nhà nước, sẵn sàng phối hợp để cơ quan liên quan thực hiện công tác kiểm đếm, đo đạc. Khi nhà thầu đưa máy móc đến thi công, hộ nào cũng vui mừng vì sắp có đường mới để đi. Thế nhưng, cả mấy năm nay, đường bị đào sâu hoắm như cái ao tù, rồi bỏ dở. Người dân mong muốn có lời giải thích thỏa đáng từ các đơn vị liên quan. Cùng với đó, mong muốn sớm triển khai thi công cho xong tuyến đường để cuộc sống của người dân không bị xáo trộn như mấy năm qua. Trường hợp có nhiều vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng chưa được tháo gỡ thì cần hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của tuyến đường để bảo đảm cho người dân và phương tiện đi lại.

Người dân, học sinh rất khó khăn khi đi lại trên đoạn đường.

Theo tìm hiểu, đoạn đường này là điểm đấu nối giữa đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) với Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột. Dự án được khởi công vào năm 2020, cơ bản hoàn thành trong năm 2024 và hoàn thành thủ tục đưa vào khai thác năm 2025. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 1.841 tỷ đồng, tăng 332 tỷ đồng so với tổng mức kinh phí phê duyệt ban đầu. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt là Ban tỉnh) làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch được phê duyệt ban đầu, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột có điểm đầu tiếp nối với đường tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ tại km 1758+00 – vị trí này đi qua khu đất trồng cao su, có chi phí giải phóng mặt bằng thấp. Tuy nhiên, sau đó được thống nhất điều chỉnh điểm đầu dự án tại km1758+900 đoạn qua địa bàn xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), cách vị trí đã được quy hoạch gần 1 km. Việc “nắn” tuyến đường vào khu vực đông dân cư là một trong những nguyên nhân gây nhiều khó khăn đối với công tác giải phóng mặt bằng, nhất là việc bố trí đất tái định cư và tăng vọt chi phí bồi thường, hỗ trợ đối với các hộ dân thuộc diện thu hồi đất.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.