Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng công dân số làm nền tảng chuyển đổi số bền vững

11:13, 08/10/2022

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, trong đó xây dựng công dân số là một trong các mục tiêu chuyển đổi số toàn diện mà Đắk Lắk đang triển khai. Để có thêm góc nhìn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông TRƯƠNG HOÀI ANH, Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông.

 

♦ Theo Quyết định số 505/QĐ-TTg, ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt lựa chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đối với tỉnh Đắk Lắk, việc lựa chọn chủ đề “Đắk Lắk hướng tới công dân số” của Ngày Chuyển đổi số năm 2022 có ý nghĩa và mục đích như thế nào, thưa ông?

Thực hiện Quyết định số 505 của Thủ tướng Chính phủ về chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2076/QĐ-UBND, ngày 16/9/2022 lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk.

Chuyển đổi số gồm ba trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hiện nay chúng ta đang phát triển chính quyền số dựa trên kết quả xây dựng, phát triển chính quyền điện tử. Về kinh tế số thì chúng ta có điều kiện là doanh nghiệp từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Vấn đề còn lại là trụ cột xã hội số, vì chính quyền có làm tốt, doanh nghiệp có làm tốt thì cần “môi trường” rất rộng lớn đó là các công dân, và muốn có xã hội số thì phải có công dân số. Cần xây dựng công dân số làm nền tảng chuyển đổi số bền vững. Do đó Sở cũng mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh chọn năm 2022 – 2023 sẽ triển khai tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực công dân số.

Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk năm 2022 là “Đắk Lắk hướng tới công dân số” cũng có ý nghĩa và mục đích như thế: Lấy người dân làm trung tâm; đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân.

♦ Hiện không ít ý kiến còn băn khoăn bởi trình độ dân trí của tỉnh không đồng đều, thậm chí một bộ phận người dân còn thấp, đây cũng sẽ là trở lực không nhỏ. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Quan điểm này cũng có phần đúng. Không chỉ đối với Đắk Lắk mà nhiều địa phương khác nói chung, mặt bằng về trình độ dân trí cũng còn không đồng đều. Điều này sẽ có những khó khăn nhất định đối với công tác chuyển đổi số, chính quyền số nói riêng như: nhận thức, công tác tuyên truyền, nội dung hướng dẫn…

Về chính quyền, chúng ta đã kế thừa những kết quả đạt được trong xây dựng chính phủ điện tử. Như tỉnh ta, toàn bộ điều hành từ tỉnh đến tận xã, phường đều cơ bản điều hành trên hệ thống điện tử, qua môi trường mạng; doanh nghiệp cũng ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều rồi. Tuy nhiên, người dân hiện nay tiếp cận còn tương đối ít, mà một trong những vấn đề khó nhất để triển khai xã hội số và xây dựng công dân số đó là ý thức của người dân.

Hiện nay, cơ bản cấp huyện, xã đều đã thành lập được tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, buôn, với tổng số 1.147 tổ công nghệ số cộng đồng, gồm trên 7.000 thành viên tham gia. Nòng cốt của các tổ này là đoàn viên thanh niên sẽ tiếp cận công nghệ một cách nhanh chóng, trên cơ sở các nền tảng chủ yếu về ứng dụng số của Bộ Thông tin và Truyền thông. Từ đó phổ biến, giúp người dân, hướng dẫn người dân tiếp cận được các nền tảng này và quan trọng nhất là làm sao cho người dân thấy được lợi ích của việc sử dụng công nghệ mang lại cho chính bản thân mình. Từ việc thấy được lợi ích, ý thức của người dân được nâng lên, và phát triển từ ít người đến nhiều người tiếp cận được các nền tảng công nghệ, ứng dụng số và sẽ tạo sự lan tỏa, trở thành một xã hội số.

Cán bộ, công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Krông Năng hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên điện thoại thông minh.

♦ Theo ông, để phát triển mạnh công dân số, tỉnh ta cần tập trung vào những giải pháp trước mắt và lâu dài nào?

Giải pháp trước mắt là tỉnh đang tập trung cùng với các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng phục vụ cho việc phát triển xã hội số. Ví dụ như sắp tới sẽ phủ sóng 5G, mạng Internet viễn thông đến tận hộ gia đình, đến tất cả các xã, phường; phối hợp với các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ mạng nâng cao các ứng dụng liên quan, như: QR code, mobile money, chữ ký số… Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với đài truyền thanh cấp huyện, xã phát sóng các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng số để tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn gián tiếp đến người dân; tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng…

Còn về lâu dài thì từng bước, Nhà nước phải có cơ chế chính sách để khuyến khích người dân trong vấn đề sử dụng các tiện ích mà công nghệ mang lại. Ví dụ như khi giao dịch trực tuyến toàn phần đối với các bộ phận ở trung tâm hành chính công thì phải có cơ chế về giảm phí hoặc khuyến khích, động viên bằng một hình thức nào đó. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng số; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng tiện lợi trong giao dịch với chính quyền và tra cứu thông tin…

♦ Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.