Trong chếnh choáng men rừng
Rượu cần là lễ vật trong nghi lễ thiêng và là chất men tạo niềm hưng phấn trong sinh hoạt thế tục. Chỉ với men rừng và hương lúa nương Yàng mà đại ngàn đã ngả nghiêng ngàn năm.
Thần Núi, thần Sông, thần Đất, thần Nước… về giữa buôn làng vít cong cần rượu cùng những tộc người trên núi đỏ rừng xanh hòa nhịp chiêng chếnh choáng…
Khi tôi đến buôn Kon Tách Đăng của người Cơ Ho ở Đinh Văn (Lâm Hà, Lâm Đồng), chị Ka Uyên vừa ủ một lúc hơn chục chóe rượu. Tay làm, miệng nói, chị giới thiệu cho tôi cách ủ rượu cần. Làm ra men rượu tốt cũng khá kỳ công.
Chị nói, lấy gạo tẻ ngâm nước một ngày, vớt để ráo nước rồi giã thành bột. Sau đó, dùng rễ cây đòng phơi khô, giã nát với bột gạo, cho thêm ít nước đủ để nặn thành những chiếc bánh to bằng nắm tay. Đem phơi bánh một tuần cho thật cứng rồi xâu vào nhau treo cạnh bếp lửa.
Còn cách làm cơm rượu thì không khó lắm. Nấu cơm thật chín đổ ra nia cho nguội. Lấy khoảng nửa cân trấu lúa cho vào trộn lẫn với cơm và men đã bóp vụn, cứ ba cân cơm thì một cân men. Tôi thấy Ka Uyên rải lót một lớp trấu mỏng dưới đáy chóe rồi cho cơm rượu trộn men vào ủ. Lớp trên cùng của chóe, chị cũng phủ một lớp trấu. Sau khi đã đậy bằng một tấm lá chuối, chị lấy tro sạch nhào với nước đắp thành nắp phủ kín miệng chóe.
Cao nguyên huyền hoặc trong chếch choáng men rượu cần, vòng xoang và bếp lửa. Ảnh: Hà Hữu Nết |
Có lội qua mấy cánh rừng, đặt chân đến mấy buôn làng, mấy tộc người thì cách làm rượu cần cũng cơ bản giống nhau, chỉ là có những bí quyết khác nhau đôi chút. Nếu người Cơ Ho dùng rễ cây đòng thì người Mạ dùng lá cây kộr làm chất liệu chính chế men và người Chu Ru thì lại sử dụng một loại cây rừng khác.
* * *
Già làng K’Điệp ở xã Tam Bố (Di Linh, Lâm Đồng) đọc tôi nghe bài ca “Mời rượu cần” bằng tiếng bản địa với những câu mở đầu: “Sền tờr nờm ơi ơi ơi…” nhạc điệu gọi mời hấp dẫn. Người Tây Nguyên có câu thành ngữ “ăn năm uống tháng”, ý nói mở hội quanh năm. Cũng vì rượu cần là lễ vật không thể thiếu trong tất cả các nghi lễ, hội hè nên cái tên các lễ hội bao giờ cũng mở đầu bằng chữ “nhô” (uống). Như ở dân tộc Cơ Ho chẳng hạn: Lễ ăn trâu (Nhô sa rpu), lễ mừng gieo sạ (Nhô sih srê), lễ mừng rửa chân trâu (Nhô rào jơng rpu), lễ mừng lúa trổ đòng (Nhô wèr), lễ mừng lúa lên bông (Nhô lir bờkao) và lễ Nhô lềr bong uống mừng đậy nắp bồ lúa. Ngay cả lễ kết nghĩa Nhô tầm bôh, lễ đặt tên cho trẻ mới chào đời Nhô sđăn, rồi Pơthi tiễn hồn người chết cũng phải có “nhô”. Rồi khi những người phạm lỗi lầm buộc phải nộp rượu phạt xử theo luật tục, sau khi già làng làm lễ cúng và được Yàng tha thứ cho người phạm lỗi, mọi người cùng nhau uống rượu vui vẻ.
Trong các nghi lễ có cúng Yàng Ndu (thần tối cao) hoặc các nghi lễ quan trọng khác thì lễ vật không những không thể thiếu rượu cần mà rượu mời Yàng về “uống” phải là chóe rượu ngon nhất, được ủ trong chiếc chóe cổ quý nhất. Trong buổi lễ hôm đó, nghi thức “rách Yàng”, mời Yàng về hưởng nước rượu đầu tiên cũng như nhận những lời khấn cầu của buôn làng là quan trọng nhất. Lúc này, chủ lễ sẽ cầm cần rượu đã cắm vào chóe hướng về cõi thần và chuyển tải thông điệp cầu xin. Yàng đã chứng giám, rượu đã mang ra, cần đã cắm vào chóe thì chủ và khách, già và trẻ đều “thật cái bụng”. Cái bụng có thật hay không là được đo đếm bằng chiếc guốt (cần rượu) duy nhất cắm trên miệng chóe. Tại sao không dùng nhiều cần trong một chóe rượu? Nghệ nhân K’Trời giải thích: Mọi người cùng sống chung một buôn, uống chung một dòng nước, ăn chung một miếng thịt rừng nên uống chung một cần rượu để biết đùm bọc yêu thương nhau. Tôi cho rằng, đó không chỉ là một phương cách ẩm thực mà là một minh triết. Chiếc cần rượu duy nhất trên chóe rượu đã trở thành thước đo của sự cộng cảm.
Từ chiếc cần duy nhất ấy, rượu được chính chủ nhà hay chủ lễ tiam (nếm) trước. Khách quý nhất sẽ là người thứ hai cầm cần. Cứ thế, chủ khách quay vòng với “đơn vị uống” là “một sừng” hoặc “hai sừng”, uống cho đến khi nào không thể uống hoặc rượu trong chóe đã trở nên quá lạt. Già K’Điệp nói thêm: “Trong khi cầm chiếc cần duy nhất ấy, người đang uống phải tuân thủ nguyên tắc: Có thể ngưng nghỉ để nói chuyện, hát hoặc làm việc khác nhưng tay luôn giữ cần rượu một cách trang trọng, không được bỏ cần ra ngoài, bỏ thõng xuống đất hoặc rời tay khỏi cần”. Lại là một lối ứng xử của cư dân rừng, thể hiện sự tôn kính dòng rượu ngọt Yàng ban và trân quý vẹn đôi đường chủ - khách…
Lễ hội nhất định phải có rượu cần. |
* * *
Cũng có khi rượu cần là một phần của lối sống người miền cao đầy sự hồn nhiên. Lần ấy ở plây Diom của người Chu Ru, chúng tôi được thưởng thức chóe rượu cần ngon cùng già làng Ya Thin và những người đồng tộc của ông thì hình như không có nghi lễ và cầu xin gì ở Yàng cả. Hôm đó uống, chỉ vì già làng nói: “Uống thôi, lâu rồi tụi mày mới ghé!”. Rồi uống, và say. Say ngả say nghiêng, hồn tôi, hồn già Thin, hồn lũ làng và những người bạn của tôi hôm đó như nhập nhòa, hòa lẫn vào nhau và lẫn vào núi đồi T’rom Ủ miên man trước mặt. Chỉ lắng lại trong lòng mình hơi thở của rừng già, của suối sâu, của thảo nguyên mênh mang. Già Ya Thin say rồi bước chếnh choáng vào buồng mang cái kèn Kwào ra thổi. Tiếng kèn tôi nghe trong mơ màng những thanh âm mang tâm tưởng của đoàn người Chu Ru vượt rừng rậm, sông sâu từ duyên hải lên kiếm tìm đất sống trên miền núi cao. Bà Ma Bio lâng lâng dặt dìu cất theo tiếng hát. Bài hát của bà như đang kể về những đàn vượn bồng con đi tìm trái chín trên dãy Pơtơu Gớp…
Tôi cũng nhớ mãi cái đêm tối trời ở nhà ông K’Brình ở vùng Bảo Thuận (Di Linh). “Lâu rồi không gặp nhau, uống nhé!”. Chủ khách cùng cười khà khà rồi kéo nhau ngồi xếp bằng vòng tròn tự nhiên như đời sống nơi này vốn vậy. Chóe rượu thơm phưng phức được đặt giữa sàn. Vài tấm lá chuối trải ra với cá suối, rau rừng, thịt trâu giã dập muối ớt vị cay xé lưỡi. K’Brình cắm phập cần vào chóe vít cong đung đưa gọi mời. Rồi đất ngả trời nghiêng. Tiếng Cơ Ho, tiếng Kinh lẫn lộn, rộn rã nhà sàn. Chiêng Droòng trên vách hạ xuống. Kèn M’boắt mang ra. Không biết tự lúc nào mà đám trai buôn đã kịp nhóm đống lửa lớn đỏ rực trước sân. Cũng không biết tự lúc nào mà người già, người trẻ, con gái, con trai đã tụ về râm ran trước sân nhà ông K’Brình. Chỉ cần lửa sáng lên, chỉ cần thập thùng tiếng chiêng… và rượu cần lại tiếp tục được ai đó mang đến. Men đã ngấm, đã đem đến cảm xúc lâng lâng. Đêm càng khuya thì nhịp chiêng càng dập dìu, vòng múa lả lướt đầu hôm thì khuya về càng như xoắn lại. Lúc này chỉ có đất trời, cỏ cây mới chứng kiến hết được hơi thở cuộc sống cao nguyên; núi đồi tốt tươi và con người cũng phồn sinh như sắc xanh đồi núi.
Đêm đó trong ngôi nhà sàn bên dòng suối Đạ Ream hiền hòa, cũng như nhiều đêm ngủ lại giữa sơn nguyên bao la, tôi đã say nồng trong giấc mơ dài có hình bóng những bước chân sơn nữ dập dìu bên ánh lửa…
Uông Thái Biểu
Ý kiến bạn đọc