Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính

08:25, 12/02/2023

Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Đắk Lắk đã có những chuyển biến tích cực và hiệu quả; tuy nhiên so với yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay thì vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Để có cái nhìn rõ nét hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông HOÀNG MẠNH HÙNG, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh năm 2022.

Ông Hoàng Mạnh Hùng

♦ Là người đã nhiều năm gắn bó với công tác CCHC và là Trưởng Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh, ông đánh giá thế nào về quá trình triển khai, thực hiện công tác này tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Có thể nói, thời gian qua, công tác CCHC đã đạt được những kết quả nổi bật. Nhiều giải pháp, sáng kiến được triển khai, nhân rộng, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và mang lại hiệu quả thiết thực như: “Ngày thứ Tư trực tuyến”, “Ngày không viết”, “Ngày không hẹn”, “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”, “Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp”… Toàn tỉnh đã thành lập 1.163 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.228 thành viên để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các nền tảng số thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng đã quyết định chọn ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk…

Công tác tuyên truyền CCHC được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt, trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, tỉnh đã xây dựng và ban hành khung kiến trúc chính quyền điện tử phiên bản 2.0 là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư, triển khai chính quyền điện tử kịp thời, chính xác; nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh; đảm bảo tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí; là cơ sở cho việc triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại tỉnh.

Kinh tế số tỉnh Đắk Lắk bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Mạng lưới viễn thông đã được đầu tư, phát triển rộng khắp đến các khu vực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng điện thoại 2G, 3G, 4G đến thôn, buôn. Tỷ lệ người dân sử dụng mạng Internet là hơn 60%; tỷ lệ dân số có smartphone là 57,07%. Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường) ngày một tăng…

Thành viên Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh kiểm tra tại Bảo hiểm xã hội tỉnh.

♦ Trong năm 2022, tỉnh đã tiến hành kiểm tra kết quả thực hiện CCHC, qua đó kịp thời chỉ rõ những mặt còn tồn tại của các địa phương, đơn vị để có phương hướng khắc phục. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về nội dung này?

Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời rà soát thường xuyên văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cùng cấp khi có văn bản pháp luật mới, hoặc khi tình hình kinh tế - xã hội không còn phù hợp. Một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số. Nguồn nhân lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở các xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và bưu chính công ích của người dân, doanh nghiệp sử dụng để giải quyết các TTHC của sở, ngành và địa phương được kiểm tra chưa cao…

Qua theo dõi, các đơn vị, địa phương đã tổ chức xử lý, khắc phục tồn tại, hạn chế ngay sau đợt kiểm tra. Đến nay, 11/11 cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức khắc phục tổng số 154/154 vấn đề phát hiện qua kiểm tra và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải thiện trong thời gian tới.

Thành viên Đoàn kiểm tra CCHC của tỉnh kiểm tra việc niêm yết các TTHC tại UBND xã Cư Pơng (huyện Krông Búk).

♦ Trước nhu cầu ngày càng cao của xã hội cũng như những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021 – 2030 theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước trong giai đoạn này, tỉnh ta có kế hoạch, giải pháp gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả CCHC, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thưa ông?

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định CCHC là một trong ba khâu đột phá, và cuối năm 2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU về đẩy mạnh CCHC giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó đặt ra yêu cầu CCHC tỉnh nhà ngày càng cải thiện cả về điểm số và cải thiện cả về thứ bậc. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Nội vụ đã phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và chương trình tổng thể CCHC cho cả giai đoạn; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC hằng năm và tham mưu UBND tỉnh kiểm tra công tác CCHC của các địa phương, đơn vị trên địa bàn.

Ngoài ra, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức “Cải thiện hiệu quả quản trị và CCCH công tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 - 2025” và hiện nay đã hoàn thiện đề án cải thiện chỉ số CCHC và chỉ số PAPI cho cả giai đoạn. Hiện nay đã trình UBND tỉnh và nhận được sự đóng góp, góp ý của các sở, ban, ngành và đặc biệt là các chuyên gia về CCHC đã tư vấn cho nhiều tỉnh thực hiện thành công như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang… Chúng tôi cũng đã tranh thủ tham vấn kinh nghiệm của các chuyên gia để tham mưu  UBND tỉnh xây dựng đề án tổng thể để yêu cầu các cấp, ngành, cán bộ, công chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ CCHC cũng như kịp thời đánh giá các đơn vị không chấp hành từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời để cả hệ thống chính trị vào cuộc, khi đó sẽ giúp cho chỉ số CCHC cũng như chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp được cải thiện một cách bền vững nhất.

♦ Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.