Multimedia Đọc Báo in

Dư âm cũ và không gian mới

06:00, 26/04/2023

Trên đất nước mình, nếu lựa chọn một địa chỉ phù hợp để kiến tạo nên các không gian nghệ thuật, thì Đà Lạt sẽ là một trong những đô thị mà nhiều người nghĩ đến.

1. Ngày xưa, Đà Lạt vốn không xa Sài Gòn, đô thị lớn nhất miền Nam cũ. Vì vậy, nhiều tên tuổi lớn trong giới nghệ thuật thời ấy đã lựa chọn thành phố cao nguyên với những núi đồi, rừng thông, sương mù, hồ thác liêu sơ này làm nơi chốn dừng chân một chặng trên hành trình dấn thân. Phố trong rừng giữa cao nguyên miền thượng từng là không gian giao cảm của tình mặc khách, ấm áp những cuộc hạnh ngộ của các tao nhân: Quách Tấn và Hàn Mặc Tử, Võ Hồng, Nhất Hạnh, Phạm Công Thiện, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Cao Hoàng, Lệ Khánh. Nhiều nhạc phẩm của Phạm Duy hình thành sau này có bóng dáng một Đà Lạt quyến rũ, gợi tình trong ký ức những năm tháng hoa niên mà ông cùng gánh nhạc Đức Huy lăn lóc trong những phòng trà. Từ cặp vợ chồng nghệ sĩ Lê Uyên và Phương (ghép nghệ danh chung là Lê Uyên Phương) đến các nhạc sĩ Từ Công Phụng, Hoàng Nguyên, Lam Phương hay các danh ca Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Thanh Tuyền cũng đã có những ký ức từ thuở ấu niên hay ít nhất là một phần đời gắn bó với Đà Lạt… Những năm tháng quê hương điêu tàn bởi chiến tranh, trong lòng Đà Lạt lạnh lẽo có những nghệ sĩ trẻ hằng đêm ngồi bên nhau đàm luận và cầu mong cho một ngày hòa bình về trên đất mẹ. Họ là họa sĩ Trịnh Cung, họa sĩ Đinh Cường; là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ca sĩ Khánh Ly; là vợ chồng đạo diễn Hoàng Anh Tuấn - Ngô Thị Liên. Những “salon nghệ thuật” của một thời tuổi trẻ đã góp phần hình thành nên sự nghiệp sáng tạo của họ sau này…

Nhắc lại một vài tên tuổi, một vài chuyện để muốn nói nhiều hơn rằng, Đà Lạt từng một thời là nơi chốn của những cuộc tao ngộ nghệ thuật, từng làm điểm xuất phát cho sự tỏa sáng của nhiều tài danh. Ký vãng với những giá trị cũ, như là khẳng định Đà Lạt từng là một không gian của nghệ thuật, hiếm hoi và khác lạ giữa miền Nam đầy mùi thuốc súng.

Một buổi biểu diễn ca nhạc giữa không gian thiên nhiên Đà Lạt.

2. Gần đây, chỉ trong một thời gian ngắn, công chúng Đà Lạt được chứng kiến nhiều cuộc “trở về”. Trước ngày tạ thế, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành cho công chúng Đà Lạt một đêm nhạc trọn tình và ướt đẫm nước mắt ký ức. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời lên Đà Lạt ngồi gõ đàn hát mộc với bạn bè một năm không ít hơn vài lần. Họa sĩ Đinh Cường mang từ Mỹ về Đà Lạt những bức tranh của một thời xa xưa mà ông còn lưu giữ để làm một cuộc triển lãm chung cùng bạn hữu ngập tràn cảm xúc hoài niệm. Khánh Ly về lại miền cố xứ và hát với người Đà Lạt để nhớ lại những năm tháng bập bùng theo tiếng guitar của Trịnh bên đồi thông lạnh lẽo. Tuấn Ngọc nhiều lần trở lại trả nợ ân tình với mảnh đất mà mình sinh ra và mở đầu sự nghiệp cầm ca. Các con của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu, người được coi là “phù thủy” của nghệ thuật phân sắc độ từ hơn năm mươi năm trước, đã mở một cuộc triển lãm đầy ấn tượng để tưởng nhớ cha mình. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng, cũng đã chia sẻ với bạn bè cũ thời nhóm kịch sinh viên mang tên Thụ Nhân và công chúng Đà Lạt khi xuất bản cuốn sách “Con đường gai nhọn” của mình. Nhà thơ Hoàng Khởi Phong, họa sĩ Nguyễn Sông Ba cũng vậy, họ đã tổ chức giao lưu với công chúng Đà Lạt trong một quán cà phê bên thung lũng tràn đầy hoa dã quỳ…

Những cuộc “trở về” với những sự kiện của các văn nghệ sĩ từng sống, từng gắn bó với Đà Lạt, tôi cảm nhận như là một cách trao gửi niềm kỳ vọng, cũng là góp phần hâm nóng và làm tươi mới đời sống nghệ thuật của phố núi hôm nay. Họ vừa có dịp hồi niệm những dư âm xa xưa vừa tạo cảm hứng kích thích sáng tạo mới mẻ của lớp người trẻ làm nghệ thuật hôm nay. Người trẻ sinh ra trong một thời đại khác, tiếp nhận những trào lưu mới, chắc chắn sẽ có những tiếp nhận sâu sắc chuyện của cha ông, nhưng sự thể hiện sẽ khác hơn đối với thế hệ những nghệ sĩ của một thời đã qua và đang qua…

Nhiều năm qua, những người trẻ đã kiến tạo những không gian nghệ thuật mới cho Đà Lạt, dù chưa thực sự là những đột phá nhưng trong ý tưởng, trong cách làm đã thể hiện tình yêu và sự tâm huyết đối với xứ sở. Đó có thể là dự án nghệ thuật đương đại đa hình thái mang tên “Phố bên đồi” của một nhóm các nghệ sĩ trẻ, do Nguyễn Trung Hiền (SN 1982) sáng lập. Rồi phố bích họa Dốc Nhà Làng; vườn tượng Đường hầm đất sét, là khu trình diễn văn hóa bản địa làng Cù Lần. Đó là những sân khấu nhỏ trong các khu du lịch, những nhóm nhạc trẻ biểu diễn trên phố đi bộ Hòa Bình những đêm cuối tuần và cả những ban nhạc truyền thống hằng đêm rộn rã dưới chân ngọn núi Lang Bian huyền thoại.

Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân giới thiệu tác phẩm “Con đường gai nhọn”.

Cũng ở Đà Lạt, nếu ngày trước, các cuộc triển lãm nhiếp ảnh và hội họa thường được tổ chức trong khán phòng khép kín, thì nay các nghệ sĩ lại phô diễn tác phẩm của mình trên các đồi thông, các đường phố đẹp hay bờ hồ khoáng đạt. Cuối năm 2020, công chúng thưởng lãm đã mãn nhãn với “Đà Lạt hòa điệu”, triển lãm ảnh của bốn tác giả: Lý Hoàng Long, Hoài Linh, Trúc Công và Đỗ Công Thành trên một con đường có nhiều hoa dại. Nghệ sĩ M.P.K “thả” những bức ảnh về côn trùng của mình trên bãi cỏ bên hồ Tuyền Lâm để những người yêu thiên nhiên đến với cuộc trưng bày mang tên “Ồ” của anh, rồi nhóm năm nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thương, Ngô Trung Dũng, Trần Bảo Hòa, Phạm Huy Trung, Đồng Lâm Thanh Tùng lại mượn một rừng thông bên đồi dinh Tỉnh Trưởng làm nơi trưng bày cho triển lãm “Nơi tao ngộ”. Bây giờ, người trẻ ít chọn các phòng trà với không gian trầm lặng để giải trí, nhiều sân khấu ca nhạc - cà phê giữa mênh mang thiên nhiên mà có người gọi tên là “những đêm nhạc trên mây” đã ra đời. Những tụ điểm ca nhạc mang hơi thở núi đồi như Mây Lang Thang, Lululola Coffee với phong cách mới đã thu hút đông đảo công chúng trẻ đến với các giọng ca của họ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Đan Trường, Quang Dũng, Hà Anh Tuấn…

Những người trẻ Đà Lạt dù kiến tạo cái mới nhưng vẫn tiếp nhận sâu sắc dòng cảm xúc của những ký ức xưa cũ. Đó là cách làm nghệ thuật mang nét riêng của người trẻ Đà Lạt, điều rất đáng ghi nhận và trân trọng.

Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.