Nam Lào ký sự (bài 1)
LTS: Đắk Lắk mặc dù không có chung đường biên giới với nước bạn Lào nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, sâu sắc và đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác phát triển với các địa phương thuộc khu vực Nam Lào gồm các tỉnh Sekong, Champasak, Attapư, Salavan.
Đặc biệt, cộng đồng người Lào ở huyện Buôn Đôn không chỉ góp phần đóng góp vào sự phát triển của địa phương mà còn tạo nên dấu ấn văn hóa độc đáo trong bức tranh văn hóa đa sắc của tỉnh. Nhằm giới thiệu lịch sử, văn hóa, con người ở vùng đất Nam Lào, Báo Đắk Lắk Cuối tuần khởi đăng ký sự dài kỳ “Nam Lào ký sự”, mời bạn đọc cùng đón đọc.
Bài 1: Nắng chiều Pakse
Trên chuyến xe đò 29 chỗ xuất phát từ TP. Đà Nẵng qua cửa khẩu Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), chưa đầy một ngày, tôi đã có mặt ở Pakse - thành phố, thủ phủ của tỉnh Champasak, nước bạn Lào. Pakse là phiên âm từ tiếng Lào (nghĩa là Cửa Sông), âm Việt đọc là Pắc Xế.
Ấn tượng đầu tiên của tôi là Pakse giống như các thành phố ở Tây Nguyên. Dù không thuộc cao nguyên Boloven nhưng Pakse nằm ngay ở ngã ba sông Mekong và sông XeDon nên tứ phía đều có sông, núi, có đồng cỏ và những cánh rừng nhìn giống như rừng le, rừng khộp ở Gia Lai, Đắk Lắk. Đứa em tôi là chủ một lò gạch xây dựng ở gần kề Pakse nói: “Anh nói đúng, Pakse nhìn phong cảnh có đôi nét giống Tây Nguyên nhưng vì thấp hơn nên nhiệt độ thường cao hơn, mùa hè nóng hơn”.
Tôi đến Pakse vào chiều muộn, nắng không còn gay gắt, chỉ để lại dư âm hơi nóng trên lề đường, mái phố. Nhìn quanh thấy đường phố khá rộng rãi, ít nhà cao tầng, xe cộ và người đi lại không quá náo nhiệt. Nhìn quang cảnh TP. Pakse tôi cứ lẩn thẩn thầm so sánh đô thị này với TP. Buôn Ma Thuột. Có những nét tương đồng về lịch sử nhưng tốc độ phát triển thì khác nhau. Xuất phát từ chủ trương xây dựng đô thị ở khu vực Đông Dương trong quá trình chinh phục thuộc địa, đầu thế kỷ 20, khoảng năm 1905 - 1906, Buôn Ma Thuột và Pakse được người Pháp quy hoạch cùng lúc. Đến giờ, khi Buôn Ma Thuột đã là thành phố lớn của khu vực Tây Nguyên thì Pakse cũng là thành phố lớn thứ tư của nước bạn Lào. Tuy thứ hạng cao nhưng do đất rộng, người thưa, mức độ phát triển kinh tế - xã hội chưa cao nên cảm giác như Pakse quy mô nhỏ hơn so với Buôn Ma Thuột. Pakse hiện chỉ xấp xỉ 10 vạn dân, trong đó phần đông là người gốc Việt và người gốc Hoa.
Từ chùa Wat Phusalao nhìn về Pakse |
Chỉ lưu lại Pakse vài ngày nên tôi được Thắng – đứa em bà con tranh thủ đưa đi thăm thú nhiều nơi. Phải nói là địa thế của Pakse khá đẹp và thuận tiện trong giao thông. Pakse vừa nằm ngay ngã ba sông XeDon và Mekong, chỉ cách biên giới giáp Việt Nam, Thái Lan và Campuchia từ vài chục đến hơn trăm ki-lô-mét, lại có đường bộ quốc nội nối liền với thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh vùng Trung Lào, Hạ Lào. Khí hậu ở đây hai mùa mưa nắng rõ rệt, mùa khô tuy có gió phơn và nắng nóng nhưng bù lại mùa mưa có lượng mưa nhiều nên cây cối phát triển tốt. Người Pakse (người Lào và cả người gốc Việt Nam, người gốc Hoa) thuần hậu, nhẹ nhàng. Trên đường phố, trong nhà hàng, quán xá hay ở những điểm du lịch dễ thấy những nụ cười thân thiện và lời chào, lời cảm ơn luôn ở trên môi: “Sa ba đi!” (Xin chào), “Khọp chay lai lai!” (Cảm ơn rất nhiều).
Quan sát từ tính cách, thái độ con người và nhịp sống đô thị tôi nhận thấy người Pakse khá điển hình cho người Lào nói chung: ôn hòa, hài lòng với mức sống, cuộc sống hiện tại, nghĩa là không bon chen, giành giật. Bạn của em tôi, một người Lào gốc Việt song chỉ nói được ít tiếng Việt có tên Việt Nam là Thông, tên khai sinh ở Lào là Bounthong Phounsavat nói với tôi: “Người Lào xưa nay vẫn vậy anh à. Ở bất cứ đâu, ở bất kỳ bản nào, khối phố nào cũng có chùa. Ở đây Phật giáo hiện diện hầu khắp. Trong đời, ai cũng vài lần xuống tóc vào chùa, ngắn thì vài ngày, dài thì đôi ba tháng. Người ta tu vì nhiều lý do, tu để báo hiếu cha mẹ sinh thành, tu để dưỡng tánh, tu để hàm ân cuộc đời…”. Quả vậy, khắp Pakse, đường phố nào cũng có những ngôi chùa đầy màu sắc vàng, trắng, đỏ, xanh… đặc trưng cho phong cách kiến trúc chùa Lào. Trong khuôn viên của các ngôi chùa hoặc cổng chùa, tường thành đều có những bảo tháp hình tròn, nhọn dần lên trên theo hình kim tự tháp. Vào buổi sáng sớm tinh mơ, từ chùa có những đoàn các nhà sư lặng lẽ như những chiếc bóng, chậm rãi đi dọc theo hè phố. Và cũng dọc theo hè phố, nhiều người dân ngồi ngay ngắn, trước mặt họ là những chiếc mâm, quả đựng thức ăn dâng tặng các nhà sư.
Vườn Phật ở chùa Wat Phusalao. |
Nhắc đến chùa Lào, quả thật tôi đã từng đến nhiều điểm chùa nổi tiếng ở thủ đô Viêng Chăn, ở Luông Pha Băng (Bắc Lào) và thấy chùa ở Pakse cũng đặc sắc và hoành tráng không kém. Quanh trong nội thị thôi đã có nhiều ngôi chùa lớn, nguyên sơ và đẹp như chùa Wat Phabat, Wat Loang… Trong số 18 ngôi chùa lớn của Pakse nổi bật là chùa Wat Phusalao mà người Việt gọi là chùa Phật Vàng. Chùa có tượng Phật rất lớn ngự trên đỉnh một ngọn đồi, mặt hướng ra dòng sông Mekong uốn lượn quanh khu đô thị trung tâm của TP. Pakse. Buổi chiều hôm lên đây, tôi có cảm giác như mình đã thu trọn vào mắt hình ảnh một nước Lào thanh bình, cuộc sống tươi đẹp và thiên nhiên hoang sơ.
Khi nghe tôi nói về ý nghĩ so sánh giữa Pakse với các thành phố lớn ở Tây Nguyên, Buonthong bảo: “Lào sẽ còn phát triển mà anh. Tây Nguyên từ cả trăm năm nay có cây cà phê, cao su, cây ăn trái, đất đai trù phú nên phát triển nhanh hơn. Tỉnh Champasak nói riêng và khu vực Nam Lào từ trước giờ đã trồng cà phê, cao su, giờ đã và đang hình thành thêm các vùng chuyên canh cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… Mai này, cả khu vực phát triển thì lúc đó Pakse cũng sẽ phát triển theo, sầm uất lên”.
Chỉ đôi ba ngày với Pakse mà tôi đâm ra “mê” ẩm thực Lào. Gần giống với Tây Nguyên là những món như gà nướng, cá suối nướng, những món khô như muối, cheo, lạp… Và “mê” thêm điệu nhạc truyền thống cùng những bước chân trong điệu múa phòn uyển chuyển của các cô gái Lào trong một đêm vui.
Trong buổi chiều cuối cùng chia tay Pakse, bên bờ sông Mekong, dòng sông như gương làm dịu hẳn đi cái nắng gay gắt trong ngày, tôi lại nghĩ ngợi, có gì liên quan giữa nắng và Pakse. Phải rồi, “xế” trong tiếng Việt cũng để chỉ cái nắng cuối ngày. Nhưng ở đây nắng xế không phải là cái “nắng quái chiều hôm” nóng bỏng mà là cái nắng mát mẻ bên bờ Mekong. Tôi nhìn xuống dòng sông như gương mà lòng chợt bật ra câu thơ mở đầu cho một bài thơ: “Chiều buông nắng để lòng anh Pakse…”.
Đón đọc bài 2: Wat Phou huyền bí
Phạm Xuân Hùng
Ý kiến bạn đọc