Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo trì đường bộ
Xác định công tác quản lý, bảo trì đường bộ có vai trò quan trọng trong việc kéo dài thời gian sử dụng công trình, thời gian qua tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, chính quyền các địa phương thực hiện tốt việc quản lý theo phân cấp nhằm kéo dài thời gian sử dụng, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường.
Liên quan tới vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông ĐỖ QUANG TRÀ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT).
Ông Đỗ Quang Trà. |
♦ Ông đánh giá thế nào về thực trạng mạng lưới giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh?
Đắk Lắk là tỉnh có vị trí ở trung tâm vùng Tây Nguyên, đầu mối giao thông liên vùng. Hiện tỉnh Đắk Lắk có 7 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn, với tổng chiều dài đang khai thác hơn 732 km. Mạng lưới đường bộ tại địa phương dài hơn 18.000 km.
Thời gian qua, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều dự án trọng điểm, tuyến đường huyết mạch đã và đang được đầu tư như: đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ; đường tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo); đường tránh phía Tây và đường Đông Tây TP. Buôn Ma Thuột; tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Tỉnh lộ 1… Từ đó, tạo nên một mạng lưới giao thông cơ bản đồng bộ, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Tuy nhiên, Đắk Lắk là tỉnh có địa hình phức tạp, hệ thống giao thông trải dài trên diện tích lớn, song không có tuyến đường sắt, đường thủy kết nối với các tỉnh. Đường giao thông chủ yếu là đường cấp IV, cấp V gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực nông thôn của tỉnh rất lớn, trong khi nguồn lực ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, việc huy động nguồn vốn từ xã hội hóa rất khó khăn.
♦ Với mạng lưới giao thông trên, việc bảo trì công trình đường bộ được tỉnh phân cấp như thế nào, thưa ông?
Việc phân cấp về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được quy định cụ thể như sau:
Sở GTVT quản lý, vận hành khai thác, bảo trì hệ thống đường tỉnh và các tuyến đường khác do UBND tỉnh giao quản lý.
UBND cấp huyện giao Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng quản lý, vận hành khai thác, bảo trì mạng lưới đường huyện, đường đô thị (trừ phạm vi đường đô thị đi trùng với quốc lộ, đường tỉnh) và các tuyến đường khác nằm trong địa giới hành chính cấp huyện do UBND tỉnh giao quản lý.
UBND cấp xã quản lý, bảo trì mạng lưới đường xã và đường giao thông nông thôn khác trên địa bàn, kể cả đường giao thông nông thôn do nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ vốn.
Đường tránh Tây thị xã Buôn Hồ được xây dựng với tổng vốn đầu tư 575 tỷ đồng. |
♦ Nhiều người quan tâm đến việc bố trí, quản lý hệ thống báo hiệu đường bộ trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào? Người dân muốn góp ý hoặc đề xuất cắm các biển báo thì liên hệ với cơ quan nào, thưa ông?
Hệ thống báo hiệu đường bộ là hạng mục quan trọng của công trình đường bộ. Trên địa bàn tỉnh, việc phân cấp quản lý đối với hệ thống báo hiệu đường bộ cũng như hệ thống đường bộ như sau: Sở GTVT quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc hệ thống đường tỉnh (tỉnh lộ) và 3 tuyến quốc lộ được Bộ GTVT ủy quyền quản lý, gồm: Quốc lộ 27, 29, 14C.
UBND cấp huyện quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc hệ thống đường huyện và đường đô thị trên địa bàn.
UBND cấp xã quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thuộc hệ thống đường xã, đường giao thông nông thôn.
Người dân muốn góp ý hoặc đề xuất cắm các biển báo, thể có gửi văn bản hoặc điện thoại đến các cơ quan quản lý nêu trên. Nhằm tiếp nhận, xử lý các bất cập về giao thông trên địa bàn tỉnh, từ năm 2017, Sở GTVT đã đưa vào sử dụng đường dây nóng qua số điện thoại 0915.107.447. Sở GTVT rất mong nhận được ý kiến góp ý, đề xuất của người dân về việc lắp đặt bổ sung hoặc điều chỉnh biển báo hiệu đường bộ, qua đó nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông, ngày càng hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ.
♦ Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc