Tạo thuận lợi cho người dân trong cấp phiếu lý lịch tư pháp
Công tác cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh được đổi mới theo hướng đơn giản hóa, nhanh gọn, qua đó góp phần giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tư pháp.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà PHAN THỊ HỒNG THẮNG, Giám đốc Sở Tư pháp về vấn đề này.
Bà Phan Thị Hồng Thắng, Giám đốc Sở Tư pháp. |
♦ Xin bà cho biết phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) là gì? Những cơ quan nào có thẩm quyền cấp phiếu LLTP?
LLTP là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Phiếu LLTP do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trong trường hợp DN, HTX bị tòa án tuyên bố phá sản.
Có hai nhóm cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu LLTP gồm: Sở Tư pháp của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trung tâm LLTP quốc gia (thuộc Bộ Tư pháp). Như vậy, có trường hợp người dân có thể đề nghị Sở Tư pháp cấp phiếu LLTP; nhưng cũng có trường hợp Sở Tư pháp không có thẩm quyền cấp, người dân phải đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia cấp phiếu LLTP.
♦ Thưa bà, Sở Tư pháp Đắk Lắk được cấp phiếu LLTP trong trường hợp nào? Và những trường hợp nào công dân phải đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia cấp phiếu LLTP?
Theo quy định, Sở Tư pháp Đắk Lắk có thẩm quyền cấp phiếu LLTP đối với 4 trường hợp: công dân Việt Nam đang thường trú trên địa bàn tỉnh; công dân Việt Nam không có nơi thường trú nhưng đang đăng ký tạm trú trên địa bàn tỉnh; công dân Việt Nam hiện đang cư trú tại nước ngoài nhưng trước khi xuất cảnh thì cư trú tại tỉnh Đắk Lắk và người nước ngoài đang cư trú trên địa bàn tỉnh.
Có hai trường hợp phải đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia cấp phiếu LLTP gồm: công dân Việt Nam không xác định được cả nơi thường trú và nơi tạm trú; người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam. Nếu người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam thì đề nghị Sở Tư pháp cấp phiếu; còn nếu đã từng cư trú tại Việt Nam trong thời gian trước đây và nay không còn cư trú nữa thì phải đề nghị Trung tâm LLTP quốc gia cấp phiếu LLTP.
Công dân có thể lựa chọn đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. |
♦ Công dân thường trú tại tỉnh Đắk Lắk muốn đăng ký cấp phiếu LLTP thì phải làm thế nào, thưa bà?
Nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện, Sở Tư pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phiếu LLTP thông qua dịch vụ công trực tuyến. Quy trình cấp phiếu LLTP quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện, thời hạn giải quyết của từng bộ phận trong quá trình xử lý hồ sơ. Cùng với đó, Sở Tư pháp tích cực thực hiện các quy định, văn bản chỉ đạo của Trung ương, ngành và địa phương về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng và một số nội dung liên quan đến Đề án 06 lĩnh vực tư pháp.
Người dân thường trú trên địa bàn tỉnh có thể lựa chọn đăng ký cấp phiếu LLTP qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc đến trực tiếp Bộ phận một cửa của Sở Tư pháp Đắk Lắk, tại tầng 3 Trung tâm Phục vụ hành chính công ở số 09, đường Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột để được hướng dẫn cấp phiếu LLTP.
Pháp luật không quy định bắt buộc trường hợp nào phải trực tiếp đến đề nghị cấp phiếu LLTP, trường hợp nào được đăng ký trực tuyến mà tùy vào điều kiện cụ thể của từng người. Nếu công dân có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia thì sử dụng tài khoản đó để đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến. Nếu công dân không biết đăng ký trực tuyến thì có thể đến Bộ phận một cửa của tỉnh để được hướng dẫn trực tiếp hoặc đến bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã nơi cư trú để tham khảo tài liệu hướng dẫn, vì năm 2023 Sở Tư pháp đã in ấn, phát hành 72.000 tờ hướng dẫn cách thức đăng ký LLTP trực tuyến cấp phát đến các bộ phận này.
♦ Xin cảm ơn bà!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc