Đắk Lắk cần có thêm nhiều "đầu tàu"
Thời gian qua, Đắk Lắk đã rất nỗ lực trong việc cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của mình, Đắk Lắk cần có những hành động quyết liệt hơn để cải thiện chỉ số này. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông HUỲNH VĂN DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chung quanh nội dung này.
Ông Huỳnh Văn Dũng. Ảnh: Khả Lê |
♦ Thưa ông, Hiệp hội là nơi để tổng hợp ý kiến, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN. Xin ông cho biết, cộng đồng DN tại địa phương đang mong muốn được hỗ trợ cụ thể như thế nào?
Thời gian qua, Hiệp hội DN Đắk Lắk đã tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm tốt vai trò cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước để hỗ trợ các DN thành viên. Qua lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của DN, có nhiều vấn đề DN cần có sự hỗ trợ, đồng hành của địa phương. Nổi bật trong đó là cộng đồng DN mong muốn tỉnh cần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mặc dù lãnh đạo địa phương đã có những nỗ lực nhất định trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và mong muốn của cộng đồng DN.
Thứ hai là việc hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thời gian qua, việc tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động, hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho người lao động tại DN… luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Thế nhưng, chất lượng nguồn nhân lực không bảo đảm vẫn luôn là điểm yếu của Đắk Lắk trong rất nhiều năm và đã được các báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra. Điều này không chỉ gây khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thu hút đầu tư của địa phương.
Mong muốn cấp thiết khác của cộng đồng DN là được hỗ trợ trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước. Bởi có một thực tế đáng ngại là hiện nay DN thì luôn "khát" vốn, trong khi đó ngân hàng thừa tiền lại không giải ngân được; các chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ cũng chưa phát huy hết hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, có giải pháp chỉ đạo tổ chức quyết liệt hơn trong việc tiêu thụ các sản phẩm dịch vụ do các DN, người dân Đắk Lắk sản xuất.
♦ Ông đánh giá như thế nào nỗ lực của Đắk Lắk trong việc cải thiện chỉ số PCI thời gian qua, thưa ông?
Do tình hình chung, trong thời gian qua, hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đều gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tái hoạt động. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 111 DN giải thể, 616 DN tạm ngưng hoạt động. Như vậy, tính đến ngày 30/6 trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.829 DN còn đăng ký, hoạt động. |
Việc VCCI xếp hạng và công bố chỉ số PCI của các tỉnh, thành phố trong cả nước hằng năm là nhằm đánh giá thực tiễn điều hành kinh tế và phản ánh môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của từng địa phương. Cũng chính vì lẽ đó, hằng năm sau khi có sự công bố thứ hạng PCI, dựa vào việc đánh giá các chỉ số, Đắk Lắk đã tăng cường thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn. Với sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của tỉnh đã tác động mạnh mẽ đến các sở ngành, qua đó cũng góp phần hỗ trợ cộng đồng DN.
Theo tôi, Đắk Lắk đã thẳng thắn, trực tiếp đối diện với những yếu kém để khắc phục, sửa chữa, kể cả sẵn sàng thay đổi, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cho phù hợp với tình hình mới. Việc chủ động và quyết liệt của chính quyền trong việc sửa chữa những yếu kém về môi trường đầu tư đã giúp địa phương cải thiện rõ nét thứ bậc PCI năm 2023, tạo được sức hấp dẫn về môi trường kinh doanh, thu hút được các nhà đầu tư đến địa bàn làm ăn. Thế nhưng, tỉnh cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để phá vỡ những “lực cản” vô hình về thủ tục hành chính, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự trong sạch, thông thoáng, xây dựng lòng tin cho cộng đồng DN. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người - đội ngũ những người thừa hành công vụ hằng ngày. Bởi vì, có một thực tế, tình trạng “trên thoáng dưới chưa thông” hoặc “trên bảo dưới không nghe” vẫn còn diễn ra ở nơi này nơi nọ. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh vẫn còn những “con sâu”, có thái độ quan liêu, nhũng nhiễu, vòi vĩnh DN, nhà đầu tư, gây khó khăn cho DN.
♦ Thay mặt Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, ông có góp ý như thế nào để Đắk Lắk có những chính sách mang tính “đột phá” trong phát triển kinh tế – xã hội?
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng phải nói rằng Đắk Lắk có những tiềm năng, thế mạnh nhất định để phát triển bứt phá. Theo tôi, để phát huy hết tiềm năng của mình, liên quan đến cộng đồng DN, tỉnh cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không ngừng nâng cao chỉ số PCI, tăng chỉ số hài lòng của người dân và DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đầu tư phát triển cả về quy mô và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong DN. Hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Làm tốt những việc trên sẽ góp phần thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, từ đó sẽ hình thành một số DN “đầu tàu”, có nguồn lực mạnh để đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng, tác động lan tỏa đến phát triển doanh nghiệp toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cần có giải pháp chỉ đạo tổ chức quyết liệt hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà cụ thể là tiêu thụ các sản phẩm dịch vụ do các DN, người dân Đắk Lắk sản xuất. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị (sản xuất, phân phối) các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, cả nước và quốc tế. Hỗ trợ hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng, trước hết là chuỗi cung ứng hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu, đẩy mạnh liên kết chuỗi, tăng cường liên kết giữa các DN sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và DN phân phối, bán lẻ…
♦ Xin cảm ơn ông!
Giang Nam (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc