Giữ uy tín và thương hiệu sầu riêng
Là một trong những loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn của tỉnh, việc đầu tư thúc đẩy ngành hàng sầu riêng phát triển với giá trị cao, bền vững đang là hướng đi của ngành nông nghiệp Đắk Lắk. Để làm tốt điều đó, bên cạnh những thuận lợi, cần phải nhận diện rõ khó khăn, thách thức cũng như các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển bền vững ngành hàng này.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THIÊN VĂN chung quanh nội dung này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn. |
♦ Trong những năm gần đây, ngành hàng sầu riêng đang trở nên rất “nóng”, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo ông, công tác phát triển ngành hàng sầu riêng hiện nay của tỉnh đang đối diện với những thuận lợi, khó khăn gì?
Hiện nay, ngành hàng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có rất nhiều thuận lợi. Thứ nhất là trong quá trình canh tác, người nông dân ngày càng có nhiều kiến thức, kỹ năng cũng như áp dụng các tiến bộ khoa kỹ thuật vào trong sản xuất. Thứ hai là Việt Nam vừa ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu đối với sầu riêng đông lạnh; trong khi từ năm 2022, chúng ta đã có sầu riêng đông lạnh nguyên trái. Bên cạnh đó, một số nước trong khu vực cũng như trên thế giới đang trong quá trình đàm phán để trái sầu riêng Đắk Lắk nói riêng cũng như sầu riêng của Việt Nam nói chung thâm nhập vào các thị trường khác. Một thuận lợi nữa là, thời gian gần đây cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã có các hoạt động thúc đẩy cũng như hỗ trợ các dịch vụ đầu vào, xây dựng các chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt, Đắk Lắk cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách, đề án để giúp phát triển ngành hàng sầu riêng trên địa bàn phát triển bền vững hơn…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, trong phát triển ngành hàng sầu riêng, tỉnh đang gặp phải những khó khăn, thách thức như: việc người dân ồ ạt mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, khiến "cung" vượt quá "cầu", dư thừa sản lượng; một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, đồng thời phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng của địa phương…
♦ Để xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững, thời gian tới tỉnh sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?
Với những cơ hội cũng như thách thức nói trên, trong thời gian tới tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết ngành hàng sầu riêng. Đồng thời tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, kết nối giao thông, cụm công nghiệp. Đặc biệt là quan tâm xây dựng cảng cạn. Việc xây dựng cảng cạn sẽ giúp cho tỉnh trong quá trình thực hiện khâu kiểm dịch, kiểm hóa và giúp quá trình lưu thông, kiểm soát liên quan đến các sản phẩm có mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói để bảo đảm các sản phẩm tuân thủ đúng các quy định đã cam kết với nước bạn.
♦ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký “Nghị định thư về yêu cầu kiểm tra, kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”. Xin ông cho biết tỉnh Đắk Lắk đã có sự chuẩn bị như thế nào để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh?
Ngày 19/8 vừa qua, Bộ NN-PTNT và GACC đã ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Đây là cơ hội lớn để sản phẩm trái sầu riêng cũng như các sản phẩm chế biến từ sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Chúng tôi nhận thấy cần phải nỗ lực nhiều hơn, cộng đồng doanh nghiệp, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh phải xác định đây là cơ hội và chúng ta phải cố gắng thực hiện, triển khai bảo đảm đúng các điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc trong Nghị định thư đã ký kết. Để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng sầu riêng đông lạnh để giữ gìn uy tín và thương hiệu thay vì chạy đua xuất khẩu theo số lượng. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra khi Đắk Lắk lần đầu tiên được xuất khẩu quả tươi sang Trung Quốc năm 2022.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 17 doanh nghiệp chế biến sầu riêng có năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản với công suất khoảng 120 nghìn tấn/năm, tại 6/15 huyện, thị; trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Krông Pắc với 8 cơ sở. Tỉnh đã tổng hợp cung cấp thông tin gửi Cục Bảo vệ thực vật của Bộ NN-PTNT để đàm phán với GACC. Trong thời gian này, tỉnh cũng đang chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp cùng với Cục Bảo vệ thực vật biên soạn tài liệu, văn bản để tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp, nông dân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện theo nghị định thư được cam kết…
♦ Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc