Multimedia Đọc Báo in

Luật Đất đai năm 2024:

Người dân không phải đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sang mẫu mới

08:26, 09/09/2024

Luật Đất đai 2024 được thực hiện từ ngày 1/8/2024 với nhiều điểm mới sẽ tạo bước chuyển tích cực trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội.

Chung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN MINH HUẤN, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Minh Huấn.

♦ Thưa ông, xin ông cho biết những điểm mới nổi bật của Luật Đất đai năm 2024?

Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều. Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 đã có những điểm mới nổi bật là: bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); tiếp tục hoàn thiện về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bỏ đối tượng sử dụng đất là “Hộ gia đình”; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân; thay đổi tên của giấy chứng nhận và thay đổi mẫu giấy chứng nhận; bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất; bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất hằng năm; đa dạng hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất; đơn giản hóa điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư; phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục trong quản lý, sử dụng đất

♦ Đắk Lắk là tỉnh có nhiều hộ đồng bào DTTS đang sinh sống. Vậy xin ông cho biết về chính sách hỗ trợ đất đai cho đối tượng này theo Luật Đất đai năm 2024?

Chính sách đối với đồng bào DTTS và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đối với Luật Đất đai năm 2024, đây được xem là một trong những điểm nổi bật, đã thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS, quy định nhiều chính sách hơn, rõ ràng hơn, nhân văn hơn đối với đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể, trong luật này có chính sách cho đồng bào DTTS gồm: chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu; chính sách hỗ trợ đất đai lần hai để bảo đảm ổn định cuộc sống đối với cá nhân là người DTTS đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất lần đầu nhưng nay không còn đất hoặc thiếu đất so với hạn mức; chính sách giao đất sinh hoạt cộng đồng. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương phối hợp với các sở, ngành để xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh thông qua để tổ chức thực hiện.

♦ Nhiều người lo ngại rằng, theo Luật Đất đai năm 2024 thì phải đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mẫu mới. Đây có phải là quy định bắt buộc không, thưa ông?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 256 của Luật Đất đai năm 2024 quy định như sau: “Giấy chứng nhận đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị pháp lý và không phải cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp có nhu cầu thì được cấp đổi sang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của luật này”. Như vậy, căn cứ quy định trên, trường hợp người dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 1/8/2024 thì vẫn có giá trị pháp lý, không cần cấp đổi giấy chứng nhận sang mẫu mới. Người dân có nhu cầu cấp đổi sang mẫu mới thì liên hệ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện nơi có đất để được hướng dẫn chi tiết và thực hiện việc cấp đổi sang mẫu mới.

Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp đổi được quy định tại khoản 2 Điều 38 của Nghị định số 101/2024/NĐ-CP, ngày 29/7/2024 của Chính phủ gồm: Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và giấy chứng nhận đã cấp.

♦ Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh - Minh Chi (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc