Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, giáo dục lý luận chính trị
Tăng cường công tác đào tạo, giáo dục lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, góp phần chuẩn hóa cán bộ, xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức.
Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với TS. Đỗ Văn Dương, giảng viên cao cấp, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chung quanh vấn đề này.
♦ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã nêu rõ: “Việc giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa gắn kết giữa lý luận và thực tiễn”, đồng chí cho biết những nguyên nhân của hạn chế trên?
Việc giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa gắn kết giữa lý luận và thực tiễn xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu: nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, thiếu cập nhật thông tin về lý luận và thực tiễn; một số bài giảng còn mang nặng tính lý luận chung, hàn lâm, cổ điển, chủ yếu chỉ bám vào giáo trình mà thiếu sự phân tích, đánh giá, định hướng về lý luận, dẫn đến xơ cứng, nhàm chán. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ năng lực chuyên môn và kinh nghiệm trong giảng dạy vẫn còn hạn chế, còn thiếu kiến thức thực tiễn; công tác tổng kết thực tiễn, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa đồng đều, chất lượng nghiên cứu khoa học chưa đáp ứng yêu cầu. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quan tâm sâu sát tới việc giáo dục, học tập lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Một số ít cán bộ, đảng viên vẫn còn xem nhẹ việc học tập lý luận chính trị…
♦ Yêu cầu ngày càng cao về bản lĩnh chính trị của cán bộ đặt ra việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo lý luận chính trị. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa đồng chí?
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, tỉnh đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 7 lớp cao cấp lý luận chính trị cho 469 học viên, địa điểm học tại Trường Chính trị tỉnh. Trường Chính trị tỉnh đã mở 87 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, lý luận chính trị cho 6.161 học viên; 15 lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên các cấp với 1.142 học viên; 16 lớp bồi dưỡng chuyên viên, chuyên viên chính, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho lãnh đạo cấp phòng với 743 học viên; 5 lớp đào tạo, liên kết đào tạo. Kết quả này góp phần thực hiện mục tiêu chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chức danh, kỹ năng và đạo đức công vụ gắn với quá trình hội nhập cho đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, hướng đến xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn theo quy định; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị, lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động của người học, khắc phục tình trạng giảng viên “độc thoại”. Nâng cao chất lượng các hoạt động ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi, kết hợp nhiều hình thức thi phù hợp, nội dung đề thi kết hợp giữa lý luận gắn với giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Hội thảo khoa học cấp tỉnh "Nâng cao năng lực tư duy lý luận của đội ngũ cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay" do Trường Chính trị tỉnh tổ chức. |
♦ Ngày 8/2/2022, Ban Bí thư đã ban hành Quy định số 57-QĐ/TW về đối tượng, tiêu chuẩn và phân cấp đào tạo lý luận chính trị. Cụ thể việc phân cấp đào tạo lý luận chính trị theo quy định này có những điểm đáng chú ý nào, thưa đồng chí?
Quy định 57 của Ban Bí thư bao quát tất cả ba cấp đào tạo lý luận chính trị, trong đó xác định rõ việc phân cấp nhiệm vụ đào tạo. Cụ thể, trung tâm chính trị cấp huyện đào tạo sơ cấp lý luận chính trị; trường chính trị cấp tỉnh đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ của địa phương và của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương làm việc trên địa bàn.
Tỉnh ủy cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và cụ thể hóa thực hiện Quy định 57 theo thẩm quyền; trong đó giao cho Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện tổ chức đào tạo lý luận chính trị đúng đối tượng, tiêu chuẩn phân cấp, nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trong tình hình mới. Đồng thời, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan như cơ quan tham mưu, cơ quan sử dụng cán bộ, cơ sở đào tạo trong việc triển khai Quy định 57; xác định rõ ý thức, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong việc được lựa chọn cử đi đào tạo.
♦ Cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc