Multimedia Đọc Báo in

"Trường học” lý luận chính trị đặc biệt

08:21, 10/01/2024

Hoạt động tham quan, học tập tại các di tích lịch sử được các cấp ủy đảng đẩy mạnh tổ chức thời gian qua đã góp phần đưa các kiến thức lý luận chính trị vốn “khô cứng” trở nên sinh động, trực quan và gần gũi. Qua đó, đã tiếp thêm ngọn lửa cách mạng cho học sinh, sinh viên trong nỗ lực, phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Nằm ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột từ lâu đã trở thành một “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục lịch sử, chính trị cho học sinh, sinh viên. Nếu như trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc, Nhà đày Buôn Ma Thuột được xem là “trường học cách mạng” của những người cộng sản trung kiên thì ngày nay, di tích lịch sử này cũng là một trường học quan trọng nhằm bồi đắp lý tưởng cách mạng, tình yêu quê hương đất nước cùng ý chí, khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ.

TS. Nguyễn Thị Tĩnh, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tây Nguyên cho hay, thời gian qua, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là các lớp dành cho đối tượng kết nạp Đảng thường được Đảng bộ nhà trường tổ chức tham quan, học tập thực tế tại Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột và Bảo tàng Đắk Lắk. Hiệu quả thấy rõ sau các chuyến tham quan thực tế này đó là học sinh, sinh viên cảm nhận rõ hơn về truyền thống lịch sử, quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc của các thế hệ cha ông, giúp các em xác định rõ hơn mục tiêu, động cơ phấn đấu vào Đảng gắn liền với trách nhiệm của bản thân trong thời kỳ mới.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham quan, học tập tại Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Là một quần chúng ưu tú được cử đi học lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng vào cuối năm 2023 vừa qua, Y Tô Yô Hwing, sinh viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ, mỗi lần được đặt chân đến Di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột đều mang đến cho em những cảm xúc thiêng liêng. Đối với em, mỗi hình ảnh, hiện vật cùng thuyết minh tại di tích đều chứa đựng những thông điệp, bài học lớn về lý tưởng cách mạng, đưa các quan điểm lý luận của học thuyết Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam trở nên gần gũi, sinh động hơn.

Còn tại huyện Krông Pắc, kể từ sau khi được tu bổ, chỉnh trang, hai di tích lịch sử quốc gia trên địa bàn là Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA trở thành điểm tham quan, học tập thường xuyên của học sinh. Năm 2023, nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh từ cấp tiểu học đến THPT tại Đồn điền CADA và Miếu thờ CADA được các nhà trường đẩy mạnh nhằm tích cực đổi mới phương thức truyền đạt, giáo dục về lý tưởng cách mạng gắn liền với các chặng đường lịch sử của địa phương.

Thầy Võ Quốc Phong, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, không chỉ tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm theo các đợt phát động của Huyện ủy, UBND huyện, nhà trường còn đảm nhiệm việc chăm sóc thường xuyên hai di tích lịch sử trên địa bàn. Định kỳ hằng tháng, hằng tuần, Chi bộ nhà trường giao nhiệm vụ cho đoàn thanh niên tổ chức chăm sóc hai di tích, trồng hoa, dâng hương tưởng niệm tại Miếu thờ CADA. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị trong nhà trường, giúp học sinh có thêm môi trường phát huy tinh thần xung kích, năng nổ, nhiệt tình. Qua đó, chi bộ và đoàn thanh niên cũng kịp thời phát hiện các nhân tố tích cực và quan tâm bồi dưỡng, định hướng để các em xác định rõ mục tiêu lý tưởng, ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ trong môi trường bậc học phổ thông.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc