Multimedia Đọc Báo in

Kinh tế châu Âu - những tín hiệu phục hồi tích cực

16:39, 07/08/2021

Gam màu sáng dần nổi lên trong bức tranh kinh tế tổng thể của khu vực đồng euro (Eurozone), với những tín hiệu phục hồi tích cực. Gói biện pháp nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch, vừa được Liên hiệp châu Âu (EU) khởi động giải ngân, chính là một trong những giải pháp được kỳ vọng giúp duy trì đà khởi sắc của các nền kinh tế tại "lục địa già".

Bỉ, Luxembourg và Bồ Ðào Nha là ba nước thành viên đầu tiên của EU được giải ngân từ gói phục hồi sau đại dịch trị giá 800 tỷ euro của khối. Cụ thể, trong đợt giải ngân vừa qua, số tiền mà Bồ Ðào Nha, Bỉ và Luxembourg lần lượt nhận được 2,2 tỷ euro, 770 triệu euro và 12,1 triệu euro. Việc EU xúc tiến giải ngân gói hỗ trợ được ca ngợi là "liều thuốc tiếp sức" cho các nền kinh tế trên chặng đường phục hồi còn nhiều rủi ro phía trước.

Sau thời gian dài bị "mây đen suy thoái" bao phủ, kinh tế châu Âu gần đây đón nhận những tín hiệu tích cực. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), nền kinh tế Eurozone ghi nhận mức tăng trưởng 2% trong quý II-2021. Ðáng chú ý, kinh tế Italia và Tây Ban Nha, hai quốc gia từng chịu thiệt hại nặng nề trong làn sóng dịchCOVID-19 đầu tiên hồi năm 2020, đạt mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt là 2,7% và 2,8%.

Đường phố vắng khách du lịch ở Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters)
Đường phố vắng khách du lịch ở Tây Ban Nha. (Ảnh: Reuters/Nhân dân)

Có được thành quả này là nhờ sự quyết liệt thúc đẩy chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 và dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, phong tỏa tại các nước. Ngay sau "phát pháo hiệu" khi EU chính thức áp dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số về COVID-19, nhiều quốc gia, từ Tây Ban Nha, Bồ Ðào Nha ở Nam Âu, cho tới Latvia, Phần Lan ở Bắc Âu đều hồ hởi mở cửa đón khách du lịch.

Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội luôn là thách thức. Chặng đường phục hồi kinh tế của Eurozone còn nhiều bất trắc. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của khu vực này có những quan điểm khác nhau về cách thức vận hành nền kinh tế sau đại dịch. Có luồng ý kiến cho rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt đã áp dụng trong suốt thời kỳ khủng hoảng do đại dịch và giữ lãi suất ở mức thấp. Trong khi đó, luồng ý kiến khác lại nhận định, EU nên giảm hỗ trợ cả về nguồn vốn và chính sách tài khóa ngay khi cuộc khủng hoảng kết thúc.

Ðể duy trì gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Eurozone, việc triển khai quỹ phục hồi kinh tế là cần thiết, song chưa đủ. Giới quan sát cho rằng, ngoài việc nhanh chóng san lấp "hố sâu" khác biệt về chiến lược kinh tế, EU cũng phải tránh tâm lý chủ quan và duy trì sẵn sàng ứng phó những mối đe dọa luôn chực chờ từ dịch COVID-19.

(Theo Nhân Dân)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.