Multimedia Đọc Báo in

Tìm giải pháp phân phối công bằng vắc xin ngừa COVID-19

09:30, 01/08/2021

Trong tình trạng các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 đang hoành hành trên thế giới, vắc xin vẫn được xem là giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát dịch bệnh.

Cộng đồng quốc tế đang có nhiều nỗ lực trong phân phối công bằng vắc xin ngừa COVID-19 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo.

Rạng sáng 27-7 theo giờ Hà Nội, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) đã tổ chức phiên tham vấn đầu tiên về thực thi Nghị quyết 2565 được thông qua hồi tháng 2-2021 về phân phối công bằng vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp, nhất là ở một số nước có xung đột.

Tại phiên tham vấn, các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã kêu gọi tăng cường hợp tác giữa các nước cũng như các tổ chức và cơ chế quốc tế để phân phối vắc xin công bằng, với mức giá thấp cho các nước trong khủng hoảng. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an đều nhất trí rằng đại dịch toàn cầu đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội cho các nước trong xung đột, đồng thời làm gia tăng căng thẳng chính trị ở nhiều nơi; kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy tiếp tục ủng hộ nỗ lực ứng phó với số ca nhiễm đang tăng và cả những hậu quả gián tiếp của đại dịch trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ người dân chưa sẵn sàng tiêm chủng vắc xin.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Vấn đề bảo đảm sự tiếp cận công bằng vắc xin cũng như các phương pháp chẩn đoán và điều trị COVID-19 cũng là nội dung chính của cuộc đối thoại lần thứ hai giữa Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 21-7, với mục tiêu xác định những trở ngại và đề xuất các giải pháp để tăng cường sản xuất vắc xin và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo.

 

Theo dự kiến, chương trình COVAX của LHQ sẽ phân phối 2 tỷ liều vắc xin toàn cầu trong năm 2021 và 1,8 tỷ liều cho 92 nước nghèo hơn vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, chương trình COVAX mới phân phối được khoảng 136 triệu liều vắc xin COVID-19.

Những người tham gia cuộc đối thoại đã trao đổi về những điểm nghẽn của chuỗi cung ứng cụ thể, từ các hạn chế xuất khẩu và tình trạng thiếu nguyên liệu thô đến các quy trình quản lý khó khăn cũng như cách giải quyết những vấn đề này. Các bên cũng thảo luận về các vấn đề xung quanh việc chuyển giao bí quyết và công nghệ, các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định cấp phép sở hữu trí tuệ.

Các cuộc thảo luận cũng đề cập đến một loạt các vấn đề mà hợp tác quốc tế lớn hơn sẽ mang lại nhiều lợi ích, chẳng hạn như kêu gọi các quốc gia chấp nhận tất cả các loại vắc xin đã được WHO phê duyệt.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Tổng Giám đốc WTO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh việc cung cấp và triển khai tiêm chủng vắc xin đã được đẩy nhanh, song tình trạng bất bình đẳng về vắc xin vẫn còn là thách thức.

háng 6 vừa qua, 1,1 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn 45% so với tháng 5 và hơn gấp đôi tổng số của tháng 4. Chương trình COVAX hiện đã cung cấp hơn 134 triệu liều vắc xin cho 136 nền kinh tế. Hoạt động sản xuất vắc xin cũng đang tăng đáng kể. Theo công ty nghiên cứu Airfinity, hơn 1 tỷ liều vắc xin nữa đã được sản xuất trong tháng 6 vừa qua, nâng tổng sản lượng toàn cầu vào giữa tháng 7 lên 3,8 tỷ liều.

Tuy nhiên, trong số 1,1 tỷ liều vắc xin được sử dụng trong tháng 6, chỉ 1,4% đến tay người dân châu Phi, chiếm 17% dân số toàn cầu, và chỉ 0,24% thuộc về những người dân ở các nước có thu nhập thấp. Tỷ lệ liều vắc xin tiêm cho mỗi 100 người dân ở các nước phát triển là 94, trong khi tại châu Phi, tỷ lệ này là 4,5, còn ở các nước thu nhập thấp chỉ là 1,6. Ở châu Phi, chỉ có 20 triệu người, tương đương 1,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, so với 42% dân số ở các nước phát triển.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại mục tiêu toàn cầu là tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9-2021, ít nhất 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm sau. Đây là những cột mốc quan trọng mà cả thế giới phải cùng nhau đạt được để chấm dứt đại dịch. Thế giới cần ít nhất 11 tỷ liều vắc xin để thực hiện những mục tiêu đó.

Người đứng đầu WHO nhấn mạnh chia sẻ liều lượng vắc xin khẩn cấp là rất quan trọng để lấp đầy khoảng cách cung cấp hiện tại, song đây vẫn là một giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, thế giới cần mở rộng quy mô sản xuất để tăng đáng kể số lượng vắc xin. Điều này có thể được thực hiện bằng cách loại bỏ các rào cản đối với việc mở rộng quy mô sản xuất, bao gồm thông qua chuyển giao công nghệ, giải phóng chuỗi cung ứng và từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

HO đang kêu gọi thiết lập các trung tâm chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ các quốc gia có được công nghệ và bí quyết vắc xin càng nhanh càng tốt. WHO cũng hối thúc các nhà tài trợ và ngành công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp phép tự nguyện, minh bạch và không độc quyền đối với các bằng sáng chế, chuyển giao bí quyết và dữ liệu thông qua Nhóm tiếp cận công nghệ COVID-19 (C-TAP).

Kết thúc cuộc đối thoại, nhiều ý kiến nhất trí rằng tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin giữa các quốc gia giàu và nghèo là nguyên nhân khiến đại dịch phức tạp hơn. Tiếp cận không bình đẳng với vắc xin là lý do chính dẫn tới nền kinh tế toàn cầu phục hồi theo hình chữ K, trong đó các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế khác đang vượt lên phía trước, phần còn lại bị tụt hậu trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp gia tăng.

Dù vẫn còn quan điểm khác nhau đối với đề xuất từ bỏ những điều khoản của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đối với vắc xin ngừa COVID-19 và các sản phẩm cần thiết khác để chống lại COVID-19 song cuộc đối thoại này là một trong những nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách về tiếp cận vắc xin trên toàn cầu. Cuộc đối thoại có thể là định hướng cho các bên và góp phần thúc đẩy hợp tác trong vấn đề bảo đảm công bằng vắc xin.

Hồng Hà (Theo TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.