Châu Âu đối mặt nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong mùa Đông
Ủy viên phụ trách thị trường Nội địa châu Âu, ông Thierry Breton cảnh báo, châu Âu sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng về năng lượng trong suốt mùa Đông tới.
Trong khi nước Anh đang xảy ra khủng hoảng thiếu nguồn cung xăng dầu thì tại châu Âu, cũng đang chứng kiến giá năng lượng, nhất là khí đốt, đang tăng mạnh do nguồn cung suy giảm, nhu cầu phục vụ cho phục hồi nền kinh tế tăng cao hay việc tích trữ chuẩn bị cho mùa Đông đang đến.
Hôm qua (27-9), Ủy ban điều tiết năng lượng Pháp (CRE) cho biết, giá khí đốt sẽ tiếp tục tăng thêm 12,6% trong tháng 10-2021. Cơ quan này cũng ước tính mức tăng cụ thể tuỳ theo nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình so với tháng 9 là nếu như chỉ sử dụng để nấu nướng thì hoá đơn sẽ tăng 4,5%, nếu sử dụng thêm cho nước nóng thì sẽ là 9,1% và cuối cùng, mức tăng cao nhất sẽ là 14,3% nếu phục vụ mọi nhu cầu sinh hoạt.
Tính trong 3 tháng gần đây, giá khí đốt tại Pháp đã tăng tổng cộng 25%. Pháp hiện là quốc gia nhập khẩu đến 99% khí đốt tự nhiên và việc tăng giá trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gần 6 triệu người dùng tại Pháp.
Xe xếp hàng chờ bơm xăng tại thủ đô London - Anh hôm 27-9. (Ảnh: Reuters/VOV) |
Trên thị trường châu Âu, giá khí đốt hiện cũng tăng cao kỷ lục. Tại thị trường tham chiếu châu Âu ở Hà Lan (le Dutch TTF) ngày 27-9, giá khí đốt đối với kỳ hạn giao tháng 11-2021 là 77 euro cho mỗi megawatt/giờ, tức là tăng 140% so với thời điểm cuối tháng 6-2021. Nhiều lý do đã được viện dẫn cho việc tăng giá khí đốt tại châu Âu, như việc các nhà cung cấp chính là Nga hay Nauy duy trì sản lượng ở mức thấp và chưa có điều chỉnh lớn kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nhu cầu về năng lượng trên thế giới tăng trở lại khi kinh tế bắt đầu phục hồi, hay việc các quốc gia thành viên châu Âu đang tích cực tích trữ để chuẩn bị cho mùa Đông đang tới gần.
Phát biểu trên truyền hình, Ủy viên phụ trách thị trường Nội địa châu Âu, ông Thierry Breton cảnh báo, châu Âu sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng về năng lượng trong suốt mùa Đông tới: “Tình trạng căng thẳng về năng lượng sẽ kéo dài cả mùa Đông tới. Có nhiều nguyên nhân, đầu tiên là dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều mỏ khai thác dầu và khí đốt phải đóng cửa, làm giảm nguồn cung. Thứ hai là trong 6 tuần gần đây, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo cũng sụt giảm, và thứ ba là vấn đề địa chính trị khi một số nước, đặc biệt là Đức, quá phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt từ Nga”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Pháp ông Bruno Le Maire thì cho rằng, châu Âu hiện vẫn chưa có thị trường chung về năng lượng. Ngoài ra, giá giấy phép carbon, một trọng tâm trong kế hoạch cắt giảm lượng khí thải của EU, đã tăng gần gấp đôi trong năm nay và điều này sẽ làm hóa đơn năng lượng sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Theo một con số thống kê gần đây cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng năng lượng của khu vực đồng euro (Eurozone) đã tăng 15,4% trong tháng 8-2021, mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1996. Các nhà kinh tế cảnh báo giá năng lượng tăng cao sẽ đẩy lạm phát tăng trên khắp châu Âu trong năm nay, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và đe dọa sự phục hồi kinh tế của châu Âu sau đại dịch.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc