Multimedia Đọc Báo in

Cam kết hợp tác để Afghanistan không thành nơi trú ẩn của khủng bố

06:59, 14/11/2021

Ngày 10-11, các nhà ngoại giao, nhà phân tích an ninh tới từ nhiều quốc gia đã tập trung tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ để dự Đối thoại An ninh khu vực về Afghanistan. Tham gia đối thoại có các đại biểu tới từ Ấn Độ, Iran, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Trung Quốc và Pakistan cũng được mời nhưng không tham dự.

Tại cuộc đối thoại này,  các bên đã bày tỏ quan ngại về tình hình kinh tế - xã hội và nhân đạo đang xấu đi ở Afghanistan, nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Afghanistan. Các quan chức an ninh cũng cho rằng hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan phải được cung cấp trực tiếp và không bị cản trợ, việc phân phối trong nước được thực hiện theo cách không phân biệt đối xử giữa các thành phần trong xã hội Afghanistan.

Kết thúc cuộc đối thoại an ninh về Afghanistan do Ấn Độ chủ trì, các quan chức an ninh đã ra tuyên bố tái khẳng định rằng lãnh thổ Afghanistan không được sử dụng để làm nơi trú ẩn, đào tạo, lập kế hoạch hoặc tài trợ cho các hoạt động khủng bố.

Tuyên bố cũng cho biết các quan chức tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ một đất nước Afghanistan hòa bình, an ninh và ổn định, đồng thời nhấn mạnh tôn trọng chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Tuyên bố cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những đau khổ của người dân Afghanistan do tình hình an ninh ở Afghanistan và lên án các cuộc tấn công khủng bố ở Kunduz, Kandahar và Kabul.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp cố vấn an ninh quốc gia của 8 nước tham dự Đối thoại an ninh khu vực về Afghanistan (ANI).

Tuyên bố cũng có những điều khoản lên án mạnh mẽ tất cả các hoạt động khủng bố và tái khẳng định cam kết vững chắc trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức, bao gồm cả việc cung cấp tài chính; đề cập đến yêu cầu phải xóa bỏ cơ sở hạ tầng khủng bố và chống lại tình trạng cực đoan hóa để đảm bảo rằng Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.

Các quan chức cũng kêu gọi cần hợp tác tập thể nhằm đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa ly khai và buôn bán ma túy trong khu vực; nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập một chính phủ cởi mở và thực sự bao trùm, đại diện cho ý chí của tất cả người dân Afghanistan và có đại diện từ tất cả các thành phần trong xã hội, bao gồm cả các lực lượng chính trị dân tộc lớn trong nước.

Theo tuyên bố, các bên cho rằng sự tham gia của tất cả thành phần xã hội trong cơ cấu hành chính và chính trị là điều cấp thiết để tiến trình hòa giải dân tộc thành công.

Nhắc lại các nghị quyết liên quan của Liên hiệp quốc (LHQ) về Afghanistan, tuyên bố lưu ý rằng LHQ đóng vai trò trung tâm trong vấn đề Afghanistan và sự hiện diện liên tục của LHQ ở đó phải được duy trì.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em và cộng đồng thiểu số không bị vi phạm.

Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8 năm nay sau khi Mỹ rút quân khỏi nước này. Hiện chính quyền Taliban chưa được quốc gia nào công nhận là chính phủ hợp pháp ở Afghanistan. Trong khi đó, nền kinh tế Afghanistan đang lâm vào tình trạng khó khăn do bị cắt viện trợ quốc tế, tỷ lệ thất nghiệp và giá lương thực tăng mạnh. Các vụ tấn công đẫm máu do ISIS-K (lực lượng chân rết của Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại Afghanistan) thực hiện cũng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, đe dọa ổn định và an ninh của quốc gia Nam Á này. IS-K được cho là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ đánh bom liều chết, bao gồm vụ việc tại sân bay Kabul và tại hai nhà thờ Hồi giáo của người Shiite, cũng như các cuộc tấn công vào các đoàn xe của Taliban, khiến hàng trăm người thiệt mạng. Trong vụ tấn công nhằm vào bệnh viện quân y Sardar Mohammad Daud Khan ở thủ đô Kabul mới đây, các tay súng đã bắn chết 20 người, làm hàng chục người khác bị thương.

Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval cho rằng đã đến lúc các nước trong khu vực cần tham vấn, hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn để đối phó với những thách thức từ tình hình Afghanistan.

Hiện có nhiều lo ngại rằng sự ủng hộ dành cho nhóm IS-K đang gia tăng trên khắp Afghanistan vì lập trường cứng rắn của nhóm này đang tỏ ra hấp dẫn đối với các chiến binh Taliban bất mãn. Sức mạnh của IS-K được cho là đang tăng lên khi tổ chức này có nguồn dự trữ tài chính đáng kể và không ngừng mở rộng lực lượng khi tuyển mộ được thêm chiến binh là những người dân tuyệt vọng vì nền kinh tế Afghanistan bên bờ vực sụp đổ. Giới chức phương Tây thậm chí còn cảnh báo về việc IS-K đang thu nạp một số thành viên của lực lượng tinh nhuệ, các nhân viên tình báo từng phục vụ trong quân đội Afghanistan, những người trước đây làm việc cho liên minh do Mỹ dẫn đầu. Những người này cảm thấy bị bỏ rơi sau khi lực lượng nước ngoài rút khỏi Afghanistan hồi tháng 8 và quyết định đầu quân cho IS-K.

Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Tom West  hôm 8-11 đã bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các cuộc tấn công của tổ chức IS-K ở Afghanistan và mong muốn Taliban chống lại nhóm khủng bố này. “Washington lo ngại về sự gia tăng các cuộc tấn công của IS-K và muốn Taliban thành công trong nỗ lực chống lại chúng. Về những nhóm chiến binh khác, chúng tôi cũng rất quan ngại khi al Qaeda tiếp tục duy trì hiện diện tại nước này”, ông West cho biết.

Mỹ và các quốc gia khác đã chỉ trích Taliban vì đã loại bỏ các nhà lãnh đạo của các nhóm sắc tộc khác khỏi chính phủ, không cho phép phụ nữ đi làm và hầu hết trẻ em gái đi học. Ông West lưu ý rằng, Washington và các đồng minh đang tiếp tục viện trợ nhân đạo cho Afghanistan. Tuy nhiên, ông cho biết chính quyền Tổng thống Biden “chưa đưa ra quyết định” về các đề xuất nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng tài chính đang được các tổ chức nhân đạo phi chính phủ và LHQ xem xét.

Hồng Hà

(Theo TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.