Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam góp ý kiến tại phần thảo luận dự thảo văn kiện của APPF 29

10:28, 09/11/2021

Chiều 8-11, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà dẫn đầu đã tham dự Phần họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện sẽ được trình ra Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 29 (APPF 29) do Quốc hội Hàn Quốc chủ trì tổ chức vào tháng 12 tới.

Phần họp trực tuyến kéo dài từ 8 đến 19-11 với các cuộc họp thảo luận về các dự thảo văn kiện liên quan đến vấn đề chính trị và an ninh; nội dung nghị sự của Hội nghị Nữ nghị sỹ APPF 29; chủ đề hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương; các vấn đề kinh tế và thương mại; Thông cáo chung APPF 29.

Đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực đề xuất các sáng kiến, nghị quyết của Việt Nam tại Hội nghị; tham gia có trách nhiệm đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn kiện của Hội nghị với tinh thần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nâng tầm đối ngoại đa phương, tiếp tục phát huy vị thế và vai trò là thành viên tích cực của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới; sẵn sàng hợp tác vì sự phục hồi và phát triển của khu vực sau đại dịch, hướng tới tương lai của một cồng đồng châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Hội nghị APPF 26 năm 2018.

Đoàn Việt Nam chủ động xây dựng và đề xuất hai dự thảo Nghị quyết gồm dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường vai trò nghị viện trong thúc đẩy kinh tế số” và “Phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19."

Việt Nam cũng đồng bảo trợ bốn dự thảo nghị quyết gồm Nghị quyết về thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối, đồng bảo trợ cùng với Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Philippines; Nghị quyết về tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại, đồng bảo trợ cùng Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga; Nghị quyết về thúc đẩy bình đẳng giới thông qua việc tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ, đồng bảo trợ cùng Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga; Nghị quyết về thúc đẩy ứng phó COVID-19 bảo đảm yếu tố giới và phục hồi hậu đại dịch, đồng bảo trợ cùng Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Liên bang Nga.

Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN

Những dự thảo nghị quyết này về cơ bản phù hợp với những văn kiện quốc tế trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các nghị quyết của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), APPF và các Tuyên bố của APPF, góp phần tăng cường hợp tác nghị viện khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác APEC, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Với tinh thần trách nhiệm, chủ động và tích cực, Đoàn Việt Nam tham gia đóng góp các dự thảo nghị quyết theo các phương châm đồng bảo trợ bốn nghị quyết nêu trên, trong đó giữ những nội dung đã đề xuất, chỉnh sửa từ ngữ cho phù hợp bối cảnh mới, bảo đảm lợi ích của Việt Nam và hài hòa lợi ích chung.

Ngoài ra, đoàn tham gia đóng góp thêm vào các dự thảo nghị quyết khác, bảo đảm nguyên tắc chung, các quan điểm chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực, đồng thuận cao trong các nghị viện thành viên và ủng hộ vai trò chủ nhà của Quốc hội Hàn Quốc.

APPF thành lập từ 1993, gồm 27 nghị viện của các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm tăng cường đối thoại giữa các nghị sỹ trong khu vực về các vấn đề an ninh-chính trị, hợp tác kinh tế-thương mại và văn hóa nhằm góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng của toàn khu vực.

APPF cũng là kênh hỗ trợ cho APEC. Về nguyên tắc, APPF là một diễn đàn mở cho tất cả các nghị viện và các nghị sỹ quốc gia trong khu vực.

Quốc hội Việt Nam là thành viên chính thức của APPF từ năm 1995 và đã luôn tham gia tích cực, trách nhiệm vào các hoạt động của APPF; đăng cai tổ chức thành công Hội nghị APPF 13 (Hạ Long, 2005), Hội nghị APPF 26 (Hà Nội, 2018) và tại Hội nghị APPF 26 đã ra Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030," đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF và định hướng tương lai phát triển của Diễn đàn đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội được đánh giá là một trong năm bản Tuyên bố dấu ấn trong 25 năm hoạt động của APPF.

Chủ đề của Hội nghị APPF 29 là “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu COVID-19," nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã bước qua đỉnh dịch COVID-19 nhưng hệ lụy đối với kinh tế-xã hội và đời sống người dân còn nặng nề.

Việc Quốc hội Hàn Quốc và các nghị viện thành viên đang tích cực chuẩn bị cho việc tham dự Hội nghị APPF 29 được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào giữa tháng 12-2021 sau gần hai năm (Hội nghị APPF 28 diễn ra vào tháng 1-2020) cho thấy nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà, quyết tâm của các nghị viện thành viên củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch vì một tương lai tốt đẹp hơn, khẳng định sức sống của ngoại giao đa phương trong một thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 và chủ nghĩa đơn phương có xu hướng trỗi dậy trong quan hệ quốc tế.

Tham dự Hội nghị thường niên APPF là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng trong tổng thể chương trình hoạt động đối ngoại hằng năm của Quốc hội Việt Nam.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.