Định hướng chiến lược về an ninh quốc phòng: “Kim chỉ nam” cho hành động của EU
Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/3 đã chính thức thông qua Định hướng chiến lược (hay còn có tên “La bàn chiến lược”) về an ninh, quốc phòng tại cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU ở Brussels.
Theo định hướng này, EU sẽ sử dụng các nhóm tác chiến được thành lập vào năm 2007 để tạo thành lực lượng phản ứng gồm 5.000 binh sĩ. Các nhóm chiến đấu đang hoạt động song chưa bao giờ được sử dụng, vì thiếu ý chí chính trị và phương tiện tài chính, sẽ thực hiện các hành động bên ngoài của EU. Lực lượng này sẽ được tạo thành từ các đơn vị bộ binh, không quân và hải quân, và có khả năng vận tải để có thể thực hiện các biện pháp can thiệp, cứu và sơ tán các công dân châu Âu trong các cuộc xung đột.
Phát biểu với báo giới, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Joseph Borrell nhấn mạnh, Định hướng chiến lược là “kim chỉ nam” cho hành động. Nó đặt ra một hướng đi đầy tham vọng cho chính sách an ninh và quốc phòng của liên minh này trong thập kỷ tới. Nó sẽ giúp EU đối mặt với trách nhiệm an ninh của mình. Định hướng chiến lược đánh giá chung về môi trường chiến lược của EU cũng như các mối đe dọa và thách thức mà liên minh này phải đối mặt.
Ngoài ra, “La bàn chiến lược” cũng sẽ mở đường cho việc mở rộng chi tiêu quân sự của các nước EU và tạo cơ chế để cùng phát triển, sản xuất và mua vũ khí mới, cũng như phát triển lợi thế công nghệ của riêng EU và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp công nghệ cao của nước ngoài.
EU đã chính thức thông qua Định hướng chiến lược về quốc phòng, an ninh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Định hướng chiến lược về an ninh, quốc phòng của EU được Ủy ban châu Âu công bố vào tháng 11/2021. Vào thời điểm công bố “La bàn chiến lược”, các nước châu Âu ý thức rất rõ rằng môi trường an ninh, không chỉ tại châu Âu mà trên toàn cầu đang có những biến động rất lớn, cục diện địa chính trị đang có những thay đổi mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ và châu Âu phải chuẩn bị.
Tháng 11/2021, căng thẳng giữa Nga với phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine đã xuất hiện trở lại nhưng ở thời điểm đó, các sự kiện chi phối tư duy chiến lược của châu Âu là việc Mỹ - Anh - Australia ra mắt liên minh an ninh AUKUS, có nguy cơ gạt bỏ lợi ích an ninh của châu Âu, và đặc biệt rõ ràng là Pháp, sang một bên tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trước đó nữa là cuộc rút lui hỗn loạn tại Afghanistan, khi chính quyền Mỹ đơn phương hành động, không tham vấn, cũng không để tâm đến các hy sinh, các lợi ích của các đồng minh châu Âu. Ngoài ra, là cuộc khủng hoảng tị nạn ở biên giới Ba Lan – Belarus khi châu Âu cho rằng chính quyền Belarus sử dụng con bài người tị nạn, cố tình đưa người tị nạn Trung Đông sang Belarus rồi đẩy sang các nước EU để gây bất ổn cho châu Âu.
Mục tiêu của Định hướng chiến lược là đưa EU trở thành tổ chức có thể cung cấp sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ và có năng lực hơn. Định hướng này sẽ nâng cao quyền tự chủ chiến lược của EU và khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ các giá trị và lợi ích của EU. |
Nhưng sâu xa hơn, chiến lược an ninh “La bàn chiến lược” của châu Âu được “thai nghén” từ những rạn nứt sâu sắc giữa châu Âu với Mỹ trong giai đoạn 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông Donald Trump công khai chỉ trích các đồng minh châu Âu, đặt dấu hỏi về sự tồn tại của NATO và nêu cao chủ nghĩa biệt lập đặc quyền của Mỹ. Kể từ thời điểm đó, châu Âu đã ý thức được rằng đã đến lúc khối này phải thay đổi tư duy, không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ và NATO mà buộc phải trang bị cho mình sức mạnh cứng, tức sức mạnh quân sự để khi cần thiết có thể tự bảo vệ được các lợi ích sống còn của chính mình.
Trong bản dự thảo đầu tiên của “La bàn chiến lược” đưa ra tháng 11/2021, các chuyên gia quốc phòng châu Âu nhấn mạnh nhiều đến các ưu tiên như thúc đẩy sự tham vấn trên diện rộng giữa các thành viên EU, chia sẻ các phân tích và thông tin tình báo, đặc biệt liên quan các mối đe doạ như an ninh mạng, các chiến dịch phản tuyên truyền quy mô lớn, việc vũ khí hóa vấn đề tị nạn… Tuy nhiên, trong bản chiến lược vừa được thông qua, mục tiêu lớn nhất và ngay lập tức của EU là phải xây dựng được một sức mạnh cứng về quốc phòng để bảo vệ được an ninh và các lợi ích chiến lược của châu Âu.
Trong bản dự thảo tháng 11/2021, châu Âu không nêu đích danh một đối thủ nào nhưng trong chiến lược mới, châu Âu đã đi thẳng vào vấn đề, đối mặt trực tiếp với thực tế mới, đó là cuộc chiến tại Ukraine đã phá vỡ cấu trúc an ninh châu Âu, hành động của Nga tạo ra mối đe dọa trực tiếp về an ninh với châu Âu và châu Âu cần ngay lập tức trang bị cho mình một lực lượng quân sự có khả năng tác chiến nhanh chóng, được trang bị vũ khí hạng nặng, có cơ cấu chỉ huy tích hợp và toàn diện để lập tức tham chiến khi cần thiết. Thay vì nhấn mạnh đến các mối đe dọa tương đối vô hình như không gian mạng, cuộc chiến thông tin thì châu Âu phải trang bị máy bay chiến đấu, xe tăng, tên lửa và một đội quân đủ lớn, đủ mạnh.
Quan trọng hơn, là tốc độ hành động. Trước khi xảy ra cuộc chiến tại Ukraine, châu Âu dự kiến tháng 3/2022 mới họp bàn về “La bàn chiến lược”, đến giữa năm 2022 mới có khả năng thông qua và sau đó mới tính việc triển khai. Nhưng sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, châu Âu buộc phải vứt bỏ mọi sự chậm trễ, quan liêu hành chính, và “La bàn chiến lược” hiện nay đã được thông qua.
Hồng Hà (Theo VOV, Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc