Tổng thống Biden công du châu Âu: Gửi thêm "đòn" tới Nga, khẳng định một NATO đoàn kết
Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến châu Âu lần này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về sự đồng lòng của phương Tây trong phản ứng với Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết trong chuyến công du tới Brussels tuần này, Tổng thống Joe Biden và những người đồng cấp châu Âu sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga và các biện pháp nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt hiện có.
Ông Sullivan cho biết, Tổng thống Biden cũng thảo luận về những điều chỉnh dài hạn đối với vị trí của lực lượng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các tình huống dự phòng trong trường hợp sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông chủ Nhà Trắng sẽ công bố "hành động chung" nhằm tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga.
Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine, đồng thời cung cấp hàng tỷ USD vũ khí và viện trợ cho quốc phòng Ukraine.
Tổng thống Biden đã cam kết không cử binh sĩ Mỹ tới Ukraine, nhưng hứa sẽ giữ cam kết của Washington là bảo vệ các thành viên NATO nếu họ bị tấn công.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho biết, nhân chuyến đi lần này, ông Biden có tham dự một số cuộc họp với NATO, gặp gỡ các nhà lãnh đạo G7 và phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU tại một cuộc họp của Hội đồng châu Âu.
Phát biểu với các phóng viên vừa qua, ông Sullivan nói: "Ông Biden sẽ có cơ hội để phối hợp trong giai đoạn hỗ trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine. Ông sẽ cùng các đối tác của chúng tôi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga và thắt chặt các biện pháp trừng phạt hiện có”.
Khi được hỏi về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, ông Sullivan cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm dấy lên "bóng ma" về việc triển khai vũ khí hạt nhân. Ông Sullivan cho biết Mỹ đang theo dõi vấn đề này.
"Chúng tôi liên tục theo dõi khả năng xảy ra trường hợp đó và tất nhiên chúng tôi xem xét nó một cách nghiêm túc nhất có thể. Chúng tôi sẽ tư vấn với các đồng minh và đối tác về tình huống đó... và thảo luận về phản ứng tiềm năng của chúng tôi”, ông Sullivan bày tỏ.
Trước đó, Tổng thống Biden ngày 21/3 đã điện đàm với các đồng minh quan trọng châu Âu trước khi tham dự thượng đỉnh NATO và EU.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden đã điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Italy Mario Draghi và Thủ tướng Anh Boris Johnson “để thảo luận về những đáp ứng phối hợp của họ đối với chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine”.
Trong chuyến công du châu Âu lần này, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố các lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Ảnh: AP/Baoquocte.vn |
Ông Sullivan cho biết các lệnh trừng phạt mới sẽ được công bố vào ngày 24/3 và tập trung vào việc thực thi các lệnh trừng phạt trước đó.
Đồng thời, Tổng thống Biden cũng sẽ công bố các đóng góp của Mỹ nhằm giảm bớt các điều kiện nhân đạo cho người tị nạn và dân thường ở Ukraine, với nhiều người trong số họ đang bị mắc kẹt trong các thành phố bị bao vây.
Sau chặng dừng chân tại Brussels, ông chủ Nhà Trắng sẽ đến Warsaw để thể hiện sự ủng hộ đối với một đồng minh có chung biên giới với Ukraine. Ông Sullivan cho biết tại Ba Lan, Tổng thống Biden sẽ "gặp gỡ lực lượng Mỹ đang giúp bảo vệ lãnh thổ NATO" và gặp gỡ các chuyên gia phục vụ hoạt động nhân đạo trong chiến tranh.
Ngoài ra, ông Sullivan cho biết Mỹ muốn tham khảo ý kiến của các đồng minh về tư cách thành viên G20 của Nga. Ông nói: "Chúng tôi tin rằng tư cách thành viên của Nga trong các tổ chức quốc tế và trong cộng đồng quốc tế không thể hoạt động như bình thường".
Ông Sullivan khẳng định, Tổng thống Mỹ đến châu Âu "để đảm bảo chúng ta luôn đoàn kết, củng cố quyết tâm chung của chúng ta, để gửi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng ta đã chuẩn bị và cam kết thực hiện điều này trong thời gian cần thiết”.
Quyết định khó khăn
Những lệnh trừng phạt bổ sung sẽ phát huy hiệu quả như thế nào vẫn còn rất lâu mới được biết rõ.
Mỹ và Anh đã thông báo lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Một lệnh cấm rộng hơn của các nước EU sẽ đánh dấu một cuộc leo thang lớn làm tổn hại Moscow cũng như người tiêu dùng phương Tây. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo một lệnh cấm vận dầu trên diện rộng “sẽ gây thiệt hại cho mọi người”.
Hiện cũng không có một con đường dễ dàng để củng cố đáng kể cho quân đội Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đề nghị có thêm những vũ khí mạnh, vượt qua các rocket chống tăng và tên lửa Stinger.
Tổng thống Biden cương quyết bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky về việc áp đặt vùng cấm bay, nói rằng việc này sẽ đòi hỏi Mỹ phải đối đấu trực diện với Nga.
NATO cũng từ chối lời kêu gọi của Ba Lan về việc gửi máy bay MIG-29 do Nga chế tạo đến Ukraine qua một căn cứ không quân của Mỹ. Washington nói việc này cũng gây nguy cơ Nga sẽ tuyên bố NATO chính thức can dự vào xung đột.
EU đã trừng phạt hàng trăm cá nhân Nga, bao gồm cả Tổng thống Nga Vladimir Putin, các bộ trưởng chủ chốt và giới tài phiệt thân Điện Kremlin.
Tuy nhiên, việc áp đặt những biện pháp hạn chế với ngành năng lượng Nga vẫn là cực kỳ nhạy cảm do sự lệ thuộc của nhiều nước EU vào khí đốt Nga.
Một nhóm nước do Đức lãnh đạo muốn tạm ngưng các chế tài ngay bây giờ, giữa những quan ngại về giá năng lượng cao và lo sợ Nga có thể ngưng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Theo Baoquocte.vn
Ý kiến bạn đọc