Xung đột Nga - Ukraine và những tác động nặng nề
Những ngày qua, tin tức về xung đột Nga – Ukraine và Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga nhằm vào Ukraine đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Xung đột giữa Nga – Ukraine và những căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga – phương Tây đã gây ảnh hưởng đến cả toàn cầu…
Ngày 2/3 Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) vừa tổ chức phiên họp đặc biệt lần thứ 11 trong 77 năm thành lập và phát triển của mình. Phiên họp được tổ chức theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an sau khi cơ quan này họp khẩn lần thứ tư vào hôm 27/2 vừa qua.
Tại phiên họp này, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine. Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên LHQ, đạt tỷ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga.
Nghị quyết được thông qua sau khi hơn 100 quốc gia thành viên LHQ đã lên tiếng phát biểu quan điểm của mình trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt. Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc thực thi, song có sức mạnh mang tính biểu tượng, thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột.
Người tị nạn Ukraine tại khu vực biên giới ở Medyka, Đông Nam Ba Lan ngày 1/3. Ảnh: PAP/TTXVN |
Kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine; đồng thời phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, một loạt các nước trên thế giới đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga, chủ yếu về lĩnh vực kinh tế.
Chưa đầy 24 giờ sau khi Tổng thống Nga tuyên bố mở một chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào hai tổ chức tài chính lớn nhất của Nga là Sberbank và VTB, đồng thời ngăn những tổ chức này xử lý các khoản thanh toán thông qua hệ thống tài chính của Mỹ.
Các công ty nhà nước của Nga cũng sẽ không được phép huy động vốn thông qua các thị trường Mỹ. Những biện pháp trừng phạt này nhắm đến gần 80% tài sản ngân hàng ở Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng đang cố gắng hạn chế hoạt động các công ty quân sự và công nghiệp của Nga bằng cách ngăn họ mua những công nghệ quan trọng như chip máy tính tiên tiến.
Ngày 1/3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua dự thảo nghị quyết trong đó đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hạn chế nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga, cấm các khoản đầu tư mới của EU vào Nga, loại tất cả ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính châu Âu cũng như hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Kể từ ngày 2/3, EU cũng cấm các kênh truyền thông nhà nước của Nga, gồm đài RT và Sputnik phát sóng ở các nước thành viên liên minh. Trước đó, nền tảng chia sẻ video Youtube đã chặn nội dung của các kênh truyền thông của Nga tại EU.
Trong đó, hình phạt nặng nề nhất có lẽ là quyết định loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hôm 26/2. Tuyên bố chung của các lãnh đạo châu Âu và Mỹ cho biết việc Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT sẽ khiến các ngân hàng của nước này "mất kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và bị tổn hại năng lực hoạt động toàn cầu".
Vụ nổ gần tháp truyền hình Kiev, Ukraine ngày 1/3. Ảnh: Reuters |
Nhiều hãng sản xuất ô tô Nhật Bản có xu hướng dừng hoạt động tại Nga; ba hãng tàu biển lớn nhất thế giới gồm MSC, Maersk, CMA CGM đã thông báo tạm ngừng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga, có hiệu lực đối với các khu vực bao gồm Baltics, Biển Đen và Viễn Đông Nga. Apple cùng nhiều tập đoàn của phương Tây cũng dừng hoạt động tại Nga. Nhiều nước đã cấm Nga vào không phận và đáp trả lại, Nga cũng cấm máy bay của nhiều quốc gia vào không phận của mình.
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc thực thi, song có sức mạnh mang tính biểu tượng, thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột. |
Những lệnh trừng phạt này đã gây tác động nặng nề đến kinh tế Nga và thị trường toàn cầu. Đồng ruble của Nga rơi xuống mức thấp kỷ lục; đồng euro cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Nga đối mặt với nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, từ dầu đến ngũ cốc. Trong khi đó, giá dầu đã tăng phi mã vì lo ngại gián đoạn nguồn cung từ Nga; giá cả các mặt hàng khác cũng theo đó tăng lên.
Trước sự mất giá của đồng tiền, Nga đã tăng lãi suất lên 20% và yêu cầu các doanh nghiệp chuyển đổi 80% doanh thu bằng ngoại tệ tại thị trường trong nước, khi Ngân hàng trung ương Nga (CBR), đang bị phương Tây trừng phạt, dừng can thiệp vào thị trường ngoại hối. Còn Mỹ và các đồng minh đã nhất trí mở kho dự trữ dầu để bổ sung 60 triệu thùng cho thị trường, qua đó tháo gỡ phần nào khan hiếm nguồn cung. Một số thị trường chứng khoán tại châu Á cũng "đỏ sàn" khi nhà đầu tư ngày một lo lắng trước căng thẳng giữa nhà sản xuất dầu thô chủ chốt Nga và Ukraine.
Bên cạnh những tác động về kinh tế, xung đột Nga – Ukraine cũng đang gây ra nguy cơ của một cuộc khủng hoảng người di cư ở Ukraine. Theo dữ liệu được LHQ công bố ngày 2/3, số người sơ tán để tránh xung đột tại Ukraine hiện là hơn 835.000 người. Theo Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), hơn 50% số người sơ tán kể trên di chuyển về hướng Tây để sang Ba Lan, tiếp đó là các nước gồm Hungary, Slovakia, Moldova, Nga, Romania và Belarus cùng với một số nước EU. Ngoài ra, có khoảng 96.000 người sơ tán từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DRP) tự xưng và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LRP) tự xưng ở miền Đông Ukraine sang Nga.
UNHCR ước tính số người cần hỗ trợ trong xung đột Ukraine có thể lên hơn 4 triệu người. Một ngày trước đó, LHQ đã kêu gọi 1,7 tỷ USD để hỗ trợ khẩn cấp cho những người sơ tán tránh xung đột.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine có thể khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh hơn nữa, kéo theo nguy cơ gia tăng số trường hợp bệnh trở nặng.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc