Multimedia Đọc Báo in

Châu Âu thay đổi hẳn ưu tiên chi tiêu ngân sách vì xung đột Nga - Ukraine

17:04, 06/04/2022

Chi tiêu ngân sách thể hiện rõ nhất các ưu tiên của một quốc gia, phản ánh các giá trị của quốc gia đó. Tới nay, cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi hẳn những điều này.

Là tướng về hưu trước khi được bầu làm thủ tướng Romania 4 tháng trước ông Nicolae Ciuca cũng không hình dung ra việc phải chi hàng triệu USD để sản xuất khẩn cấp viên iốt dùng để ngăn chặn chất độc phóng xạ trong trường hợp xảy ra vụ nổ hạt nhân hoặc để tăng chi tiêu quân sự 25% chỉ trong một năm.

Ông Ciuca nói: “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi cần phải quay trở lại Chiến tranh Lạnh và lại phải nghĩ tới viên iốt kali. Chúng tôi không bao giờ nghĩ tới loại chiến tranh này trong thế kỷ 21”.

Trên khắp Liên minh châu Âu (EU) và Anh, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang định hình lại các ưu tiên chi tiêu và buộc các chính phủ phải chuẩn bị cho các mối đe dọa tưởng như đã qua từ lâu: từ làn sóng người tị nạn châu Âu đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Kết quả là các nước phải thay đổi ngân sách đột ngột: tăng chi tiêu cho quân sự, các lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp và năng lượng, hỗ trợ nhân đạo; có thể giảm chi tiêu cho giáo dục và các dịch vụ xã hội.

Chi tiêu quân sự tăng mạnh

Thay đổi đáng kể nhất là trong chi tiêu quân sự. Trong đó, Đức thay đổi mạnh nhất. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sẽ tăng chi tiêu quân sự ở mức tương đương hơn 2% GDP. Đây là mức mà Đức chưa đạt được trong hơn ba thập kỷ qua. Cam kết của Đức có kế hoạch bơm ngay 100 tỷ euro vào các lực lượng vũ trang.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 21/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc họp báo tại Berlin ngày 21/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Cam kết này là bước ngoặt đối với Đức - quốc gia tìm cách từ bỏ lập trường quân sự đã góp phần gây ra hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc.

Trong tháng này, EU đã đồng ý tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và đầu tư thêm vào các năng lực cần thiết để thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ.

Một báo cáo của Quốc hội Pháp được công bố vào tháng 2 kết luận rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh quy mô lớn như ở Ukraine, Pháp sẽ cần thêm 44 tỷ đến 66 tỷ USD trong 12 năm để củng cố bộ máy quân sự. Tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết tăng mạnh chi tiêu quân sự nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới. Chi tiêu quân sự của Pháp đã là 45 tỷ USD, hơn 10% tổng ngân sách của chính phủ.

Ông Kaja Kallas, Thủ tướng Estonia đã viết trong một bài báo đăng trên tờ The New York Times rằng: “Năm nay, chúng tôi sẽ chi 2,3% GDP; trong những năm tới, con số đó sẽ tăng lên 2,5%”.

Bỉ, Italy, Ba Lan, Latvia, Litva, Na Uy và Thụy Điển cũng đã thông báo tăng ngân sách quốc phòng.

Tăng chi cho năng lượng, lương thực

Tư duy thời chiến cũng đã lan rộng sang các lĩnh vực ngoài quốc phòng. Khi giá dầu, thức ăn chăn nuôi và phân bón tăng cao, Ireland đã đưa ra chương trình “canh tác thời chiến” để tăng sản lượng ngũ cốc, đồng thời thành lập Ủy ban An ninh lương thực và thức ăn gia súc quốc gia để quản lý các mối đe dọa đối với nguồn cung lương thực.

Cứ trồng thêm một loại cây ngũ cốc trên diện tích 100 mẫu, nông dân sẽ được trả tới 400 euro. Trồng cây bổ sung protein như đậu sẽ được nhận khoản trợ cấp 300 euro.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ireland Charlie McConalogue cho biết: “Cuộc chiến ở Ukraine đã khiến chuỗi cung ứng của chúng tôi chịu áp lực rất lớn”.

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm bán xăng ở Paris, Pháp ngày 17/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm bán xăng ở Paris, Pháp ngày 17/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới và Ukraine chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu.

Tây Ban Nha đã cạn kiệt nguồn cung ngô, dầu hướng dương và một số sản phẩm khác cũng có nguồn gốc từ Nga và Ukraine.

Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas nói trước một Ủy ban Quốc hội: “Chúng tôi có sẵn hàng, nhưng chúng tôi cần mua hàng ở các nước thứ ba”.

Ông Planas đã yêu cầu Ủy ban châu Âu nới lỏng một số quy định về nhập khẩu nông sản của Mỹ Latinh (như ngô biến đổi gien làm thức ăn gia súc từ Argentina) để bù đắp thiếu hụt nguồn cung.

Giá năng lượng cao bất thường cũng đã gây áp lực lớn lên các chính phủ, buộc họ phải cân nhắc cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc trợ cấp để giảm gánh nặng cho các gia đình không có đủ tiền mua khí đốt sưởi ấm nhà hoặc đổ xăng.

Ireland giảm thuế xăng dầu, đồng thời thông qua khoản tín dụng năng lượng và khoản thanh toán một lần cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Đức đã công bố giảm thuế và trợ cấp năng lượng 330 USD cho mỗi người và tổng số tiền này sẽ ngốn khoản ngân sách là 17,5 tỷ USD.

Ở Tây Ban Nha, chính phủ đã đồng ý giảm chi phí xăng dầu để đối phó với các cuộc đình công kéo dài nhiều ngày đang khiến các siêu thị thiếu hàng hóa.

Người tị nạn Ukraine. Ảnh: New York Times
Người tị nạn Ukraine. Ảnh: New York Times/TTXVN

Ở Anh, cắt giảm thuế nhiên liệu và hỗ trợ các hộ gia đình nghèo sẽ tiêu tốn 3,2 tỷ USD. Chi tiêu ngân sách ở Anh đã thay đổi so với hồi tháng 10/2021. Khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak dự định tăng chi tiêu mạnh cho lĩnh vực giáo dục, y tế và đào tạo việc làm.

Người dân hoan nghênh chính phủ giảm thuế năng lượng, nhưng nguồn thu ngân sách giảm càng gây áp lực lớn hơn đối với các chính phủ có mức nợ cao kỷ lục.

Ông Lucrezia Reichlin, Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh London cho biết: “Vấn đề là một số quốc gia có một lượng nợ khá lớn. Ở Italy và Pháp, con số này tương đương hơn 100% tổng sản phẩm quốc nội”. Theo các quy tắc của EU trước đại dịch COVID-19, giới hạn nợ chính phủ chỉ được phép ở mức tương đương 60% GDP.

Trong khi đó, nhu cầu về ngân sách ngày càng tăng. Các nhà lãnh đạo EU cho biết tiền dành cho các khoản chi tiêu mới liên quan quốc phòng và năng lượng có thể lên tới 2,2 nghìn tỷ USD.

Đối với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chi phí là rất lớn. Chính phủ Đức cam kết chi 1,7 tỷ USD để mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng và đang đầu tư nhiều vào xây dựng một trạm khí hóa lỏng và thuê một số trạm để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu Nga. Đồng thời, Chính phủ Đức đã đồng ý giữ lại các nhà máy nhiệt điện than để đề phòng, ngay cả khi họ đã dành gần 220 tỷ USD trong 4 năm tới để chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Tiếp đó là khoản chi phí viện trợ nhân đạo để ổn định cuộc sống mới cho 3,7 triệu người tị nạn từ Ukraine đã tràn qua biên giới. Các chi phí dự tính về nhà ở, đi lại, thức ăn và xử lý thủ tục cho dòng người tị nạn đã lên tới 30 tỷ USD chỉ trong năm đầu tiên.

Một số quốc gia như Ba Lan và Romania thậm chí còn mở rộng các dịch vụ giáo dục, y tế và xã hội cho những người tị nạn như công dân nước mình.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.