Multimedia Đọc Báo in

Làn sóng yêu cầu mở lại trường học cho nữ sinh tại Afghanistan

06:41, 03/04/2022

Những ngày qua, cộng đồng quốc tế đã liên tục yêu cầu chính quyền Taliban mở cửa lại trường học cho nữ sinh tại Afghanistan.

Ngày 22/3 vừa qua, lực lượng Taliban - hiện đang lãnh đạo Afghanistan - đã bất ngờ rút lại thông báo mở cửa trường trung học cho nữ sinh, tuyên bố các trường này vẫn sẽ đóng cửa cho đến khi một kế hoạch được đề ra theo luật Hồi giáo cho phép hoạt động trở lại. Quyết định được đưa ra sau nhiều tháng cộng đồng quốc tế nỗ lực làm việc để giải quyết vấn đề hỗ trợ chi trả lương cho giáo viên, cũng như vào thời điểm trẻ em gái Afghanistan háo hức quay trở lại trường học lần đầu tiên sau 7 tháng thất học.

Mới đây, vào ngày 28/3, hai đại diện bộ ngoại giao của Indonesia và Qatar là Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và Thứ trưởng Ngoại giao Qatar Lolwah Al Khater đã có cuộc gặp với quyền Ngoại trưởng chính quyền Taliban, ông Amir Khan Muttaqi, tại thủ đô Doha (Qatar) nhằm kêu gọi cho phép các nữ sinh quay lại trường học, trong bối cảnh những lo ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia này gia tăng.

Bà Marsudi và bà Al Khater là các đại diện nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp với lãnh đạo của chính quyền Taliban từ khi lực lượng này bất ngờ rút lại thông báo mở cửa trường trung học cho nữ sinh vào ngày 22/3. Trên mạng xã hội Twitter, bà Marsudi cho biết tại cuộc gặp, các bên đã thảo luận về vấn đề nhân đạo và bình đẳng giáo dục cho mọi công dân, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề giáo dục đối với nữ sinh và quyền của nữ giới.

Nữ sinh tại một trường học ở Panjshir, Afghanistan, ngày 23/3/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (ngày 27/3) cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của chính quyền Taliban tại Afghanistan không cho nữ sinh được tiếp cận nền giáo dục cao hơn, đồng thời kêu gọi lực lượng này mở ngay lại trường học cho các nữ sinh. Trong một tuyên bố, Liên hiệp quốc nêu rõ: "Các thành viên của Hội đồng Bảo an... tái khẳng định quyền của mọi người dân Afghanistan, bao gồm cả nữ giới, được hưởng một nền giáo dục". Hội đồng Bảo an đã yêu cầu đại diện đặc biệt của Liên hiệp quốc tại Afghanistan Deborah Lyons hối thúc các cơ quan chức năng của Afghanistan về vấn đề này và báo cáo tình hình với Liên hiệp quốc.

 

Từ khi lên nắm quyền, Taliban áp đặt một loạt hạn chế với phụ nữ như cấm phụ nữ tham gia công việc của chính phủ, quy định về trang phục được phép mặc, cấm phụ nữ đi ra khỏi thành phố một mình, cấm phụ nữ lên máy bay trừ khi có thân nhân là nam giới đi cùng.

Trước đó, Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây đã lên án quyết định tiếp tục đóng cửa các trường nữ sinh trung học ở Afghanistan. Cộng đồng quốc tế cũng cho rằng các hạn chế đối với giáo dục của trẻ em gái và quyền của nữ giới sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch gây quỹ 4,4 tỷ USD trong năm nay của Liên hiệp quốc nhằm hỗ trợ quốc gia này trang trải các nhu cầu về lương thực và sức khỏe.

Ngoại trưởng các nước Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Na Uy, Canada và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cùng ra tuyên bố chung nhấn mạnh quyết định trên của Taliban sẽ làm tổn hại đến triển vọng được cộng đồng quốc tế ủng hộ và thừa nhận tính hợp pháp của phong trào Hồi giáo này. Hành động của Taliban mâu thuẫn với những cam kết công khai mà lực lượng này đưa ra đối với người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế. Các quan chức trên cho rằng mọi công dân Afghanistan, dù nam hay nữ, đều có quyền bình đẳng học tập ở tất cả các cấp học và trên mọi tỉnh thành trong cả nước. Do vậy, các nước kêu gọi Taliban "nhanh chóng đảo ngược quyết định vừa qua vốn sẽ kéo theo những hậu quả vượt xa cả những tác động tiêu cực tới trẻ em gái Afghanistan".

Tuyên bố của đại diện các nước cũng nhấn mạnh nếu không thay đổi quyết định trên, điều này sẽ gây tổn hại sâu sắc đến những triển vọng của Afghanistan trong việc gắn kết xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ thất vọng vì quyết định trên của Taliban, cho rằng hành động này vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái đối với giáo dục. Ông kêu gọi chính quyền Taliban mở cửa trường học ngay cho tất cả học sinh.

Phụ nữ và trẻ em Afghanistan trên đường phố ở Kabul. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi của trẻ em gái và nữ giới tại Afghanistan thì tuyên bố sẽ phát động làn sóng phản đối trên toàn quốc nếu chính quyền Taliban không mở cửa trường học trở lại cho các nữ sinh trung học trong vòng một tuần.

Trong một cuộc họp báo tại thủ đô Kabul ngày 27/3, bà Halima Nasari - nhà hoạt động bảo vệ quyền của nữ giới tại Afghanistan - đã đọc tuyên bố chung của 4 nhóm nữ quyền tại Afghanistan, trong đó kêu gọi chính quyền Taliban đảo ngược quyết định nói trên trong vòng một tuần. Tuyên bố nhấn mạnh nếu yêu cầu chính đáng này không được đáp ứng, các nhóm sẽ phát động hành động phản đối trên toàn đất nước Afghanistan. Cũng theo tuyên bố trên, thay vì đóng cửa các cơ sở giáo dục hiện có, Taliban nên xây dựng thêm nhiều trường học hơn cho trẻ em gái ở các vùng nông thôn.

Phát biểu tại cuộc họp báo, nữ sinh Zarghuna Ibrahimi, 16 tuổi, cho rằng phụ nữ, giáo viên và trẻ em gái nên xuống đường bày tỏ sự phản đối và cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ họ trong nỗ lực này.

Ngày 26/3, khoảng 20 nữ sinh và phụ nữ đã tổ chức một cuộc biểu tình ở thủ đô Kabul yêu cầu mở lại các trường học.

Cho đến nay, Bộ Giáo dục Afghanistan vẫn chưa đưa ra lý do rõ ràng về quyết định đóng cửa trường học. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP của Pháp, thủ lĩnh cấp cao của Taliban Suhail Shaheel cho biết, có "một số vấn đề thực tế" phải được giải quyết trước khi mở cửa trở lại trường học.

Hồng Hà

(Theo Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.