Sri Lanka rơi vào khủng hoảng kinh tế tồi tệ
Thiếu thốn lương thực, thuốc men và nhiều nguyên vật liệu cùng tình trạng cắt điện kéo dài, hiện Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử.
Ngày 12/4, Sri Lanka chính thức tuyên bố không còn khả năng thanh toán số nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD. Trong số nợ này, Sri Lanka phải thanh toán 4 tỷ USD nợ nước ngoài trong năm 2022, trong đó gồm 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ quốc tế đáo hạn vào tháng 7. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Nhật Bản và Trung Quốc nằm trong danh sách chủ nợ hàng đầu của quốc gia Nam Á này.
Một phái đoàn của Chính phủ Sri Lanka đã đến Mỹ trong ngày 17/4 nhằm đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói hỗ trợ trị giá 4 tỷ USD để cứu vãn nền kinh tế của đất nước hiện đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng ngoại hối nghiêm trọng. Colombo hy vọng gói hỗ trợ này sẽ giúp tăng thêm dự trữ và thu hút tài chính để chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men.
Người dân Sri Lanka phải xếp hàng dài ngoài cây xăng nhưng không có xăng để mua. Ảnh: AFP/TRT World |
Quốc đảo Sri Lanka đang phải chật vật với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất kể từ khi giành độc lập vào năm 1948. Người dân nước này thường xuyên sống trong cảnh bị cắt điện, thiếu lương thực cùng nhiên liệu và lạm phát tăng cao kỷ lục.
Trong 3 tháng vừa qua, chỉ số chứng khoán chung Sri Lanka đã giảm tới 38%, trong khi đồng nội tệ của nước này một tháng qua mất giá hơn 35% so với đồng USD. Trong khi đó, từ đêm 18/4, Tập đoàn dầu khí Ceylon của nhà nước Sri Lanka đã tăng giá nhiên liệu lên mức cao kỷ lục. Giá xăng Octane 92 tăng lên mức 338 Sri Lanka rupee (1,04 USD)/1 lít và giá dầu diesel tăng 64,2% lên mức 289 rupee.
Cuộc khủng hoảng kinh tế cũng gây ra tình trạng hỗn loạn chính trị tại quốc đảo này với việc người dân tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố về việc cắt điện kéo dài trong nhiều tuần và thiếu nhiên liệu, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.
Đánh giá về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tồi tệ này, giới quan sát quốc tế cho rằng sai lầm trong quản lý kinh tế của các chính phủ nối tiếp nhau đã làm suy yếu nền tài chính công của Sri Lanka. |
Đầu tháng này, toàn bộ nội các Sri Lanka - trừ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và anh trai của ông (Thủ tướng Mahinda Rajapaksa) - đã từ chức sau khi hàng nghìn người bất chấp tình trạng khẩn cấp và giới nghiêm trên toàn quốc đã tham gia các cuộc biểu tình đường phố.
Tổng thống Rajapaksa đã nói rằng cuộc khủng hoảng ngoại hối không phải do chính phủ của ông gây ra, suy thoái kinh tế phần lớn là do ảnh hưởng của đại dịch trong khi doanh thu du lịch của quốc đảo và lượng kiều hối suy giảm. Tổng thống Gotabaya đã sa thải anh trai và Bộ trưởng tài chính Basil Rajapaksa và mời các đảng đối lập thành lập một nội các thống nhất để trấn an sự bất bình của công chúng trước những khó khăn do khủng hoảng kinh tế gây ra. Tuy vậy, phe đối lập từ chối đề nghị thành lập nội các thống nhất. Ngày 8/4, đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) tại Sri Lanka đã yêu cầu chính phủ giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, nếu không sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Các chuyên gia cho rằng quản lý kinh tế yếu kém, chi tiêu công vượt quá thu ngân sách, sản lượng hàng hóa và dịch vụ không đạt tới mức đủ - tất cả đều góp phần dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi ông Rajapaksa lên cầm quyền vào năm 2019 - chỉ vài tháng trước khi COVID-19 trở thành đại dịch - và mạnh tay cắt giảm thuế. Đại dịch đã “đè bẹp” nhiều phần của nền kinh tế Sri Lanka, đặc biệt là ngành du lịch, một đầu tàu kinh tế của nước này. Tỷ giá hối đoái nhiều biến động cũng làm suy giảm dòng kiều hối mà lao động Sri Lanka làm việc ở nước ngoài gửi về nước.
Người biểu tình tập trung trước tòa nhà Văn phòng Tổng thống Gotabaya Rajapaksa ở thủ đô Colombo, Sri Lanka hôm 13/4. Ảnh: AFP |
Lo ngại về tình hình quốc khố của Sri Lanka cũng như khả năng trả nợ nước ngoài của nước này, các tổ chức đánh giá tín nhiệm đã giảm điểm tín nhiệm của nước này từ năm 2020 trở đi, và rốt cục đã khiến Sri Lanka mất khả năng huy động vốn từ thị trường tài chính quốc tế.
Để giữ vững nền kinh tế, Chính phủ Sri Lanka phải rút dần dự trữ ngoại hối, khiến dự trữ này “bốc hơi” hơn 70% chỉ trong vòng 2 năm. Đến tháng 3 năm nay, dự trữ ngoại hối của Sri Lankia chỉ còn vỏn vẹn 1,93 tỷ USD, thậm chí không đủ để trang trải 1 tháng nhập khẩu, dẫn tới sự khan hiếm trên diện rộng tất cả mọi mặt hàng thiết yếu từ xăng dầu tới thực phẩm. Một báo cáo của JPMorgan Chase ước tính tổng nợ mà Sri Lanka phải trả trong năm nay có thể lên tới 7 tỷ USD và thâm hụt cán cân vãng lai sẽ là 3 tỷ USD.
Đối mặt với tình hình kinh tế ngày càng xấu, Chính phủ của Tổng thống Rajapaksa chọn cách chờ đợi, thay vì hành động nhanh chóng và tìm kiếm sự giúp đỡ từ IMF và các nguồn khác. Trong suốt nhiều tháng, phe đối lập và giới chuyên gia đã hối thúc Chính phủ Sri Lanka hành động, nhưng nhà chức trách vẫn giữ vững lập trường với hy vọng ngành du lịch và dòng kiều hối sớm hồi phục.
Ít nhiều nhận thức được cuộc khủng hoảng đang hình thành, Chính phủ Sri Lanka đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Tháng 12/2021, Bộ trưởng Tài chính nước này đã đến New Delhi để thu xếp các hạn mức tín dụng và hoán đổi 1,9 tỷ USD từ Ấn Độ. Reuters cho biết Ấn Độ sẵn sàng cung cấp cho nước láng giềng thêm 2 tỷ USD để làm giảm sự phụ thuộc của nước này vào Trung Quốc. Sri Lanka cũng đã đề xuất thêm một hạn mức tín dụng trị giá 500 triệu USD từ Ấn Độ cho ngành nhiên liệu của nước này.
Về phía Trung Quốc, Tổng thống Rajapaksa đã đề nghị chính quyền Bắc Kinh tái cơ cấu các khoản nợ trị giá khoảng 3,5 tỷ USD để giúp Sri Lanka vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính ngày càng tồi tệ. Thêm vào đó, Colombo cũng yêu cầu Bắc Kinh hỗ trợ gói tín dụng 2,5 tỷ USD, gồm khoản vay 1 tỷ USD để thanh toán nợ đến hạn và hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD để nhập hàng hóa từ nền kinh tế số 2 thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc đến nay vẫn chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về vấn đề này. Đáng lưu ý, đất nước trên 1 tỷ dân này đã gia hạn khoản vay hợp vốn 1,3 tỷ USD cho chính phủ Sri Lanka vào trước đó.
Hồng Hà (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc