WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2022
Ngày 5/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương năm 2022 xuống mức 5% trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn và những tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Trong báo cáo "Cập nhật kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương" mới công bố, WB nhận định những ảnh hưởng của tình hình Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga đang làm gián đoạn hoạt động cung ứng hàng hóa, làm gia tăng áp lực tài chính và kiềm chế đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của WB ông Manuela V. Ferro cho rằng, ngay khi các nền kinh tế khu vực này đang hồi phục sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh thì tình hình xung đột tại Ukraine lại tiếp tục tác động đến động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch WB tin tưởng những nền tảng vững chắc và các chính sách ổn định sẽ giúp khu vực này ứng phó tốt với những tác động hiện nay.
Tòa nhà của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington, Mỹ. Ảnh: AP/TTXVN |
Theo báo cáo của WB, tình trạng lạm phát tăng cao tại Mỹ khiến các chính phủ tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương siết chặt các điều kiện tài chính nhanh hơn dự đoán và có thể là "quá sớm" xét trong bối cảnh tiến trình phục hồi chưa hoàn thiện tại khu vực. Một phần nguyên nhân có thể do các ngân hàng trung ương lo ngại nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi khu vực sẽ tăng nhanh, gia tăng áp lực lên một số đồng nội tệ nên các ngân hàng đã vội siết chặt các điều kiện tài chính.
Nhìn chung, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ giảm xuống mức 5% trong năm 2022, thấp hơn 0,4% so với báo cáo công bố hồi tháng 10/2021. Ngoài ra, WB dự báo nếu tình hình thế giới xấu đi và các phản ứng chính sách của mỗi quốc gia không đủ mạnh thì tăng trưởng kinh tế khu vực có thể còn giảm xuống 4% trong năm 2022.
Theo WB, để giảm thiểu rủi ro và nắm bắt các cơ hội, các chính phủ cần cải thiện hiệu quả của chính sách tài khóa phục vụ phục hồi và phát triển, tăng cường các chính sách bảo vệ vĩ mô. WB cũng kêu gọi các nhà lập pháp cải cách các chính sách thương mại hàng hóa và đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ đang được bảo hộ để tận dụng lợi thế từ quá trình chuyển đổi bố cục ngoại thương toàn cầu song song với khuyến khích phổ biến công nghệ.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc