Multimedia Đọc Báo in

Củng cố đối tác thực chất và hiệu quả

21:19, 06/05/2022

Ngày 6/5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã trở về thủ đô Tokyo sau chuyến công du nước ngoài dài ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức.

Trong chuyến công du này, Thủ tướng Kishida đã không chỉ thành công trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ của Nhật Bản với các nước mà ông tới thăm, mà còn đạt được mục tiêu thuyết phục các nước này tăng cường hợp tác để thực hiện sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). 

Trong 8 ngày công du nước ngoài, Thủ tướng Kishida đã thăm 5 quốc gia, gồm Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Italy và Vương quốc Anh. Tại tất cả các chặng dừng chân, Thủ tướng Kishida đều đạt được đồng thuận với các nhà lãnh đạo của nước chủ nhà về việc tăng cường hợp tác hướng tới thực hiện FOIP.

Đây là sáng kiến do cựu Thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng tại Hội nghị Quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ sáu (TICAD-6) ở Kenya vào năm 2016.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại London, Anh ngày 5/5/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại London, Anh ngày 5/5/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Giáo sư về quan hệ quốc tế Mie Oba của Đại học Kanagawa (Nhật Bản) cho biết mục tiêu của FOIP là tăng cường liên kết giữa châu Á và châu Phi thông qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của toàn bộ khu vực. Sáng kiến này có ba trụ cột chính, gồm: Thúc đẩy và thiết lập thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải và tự do thương mại; Theo đuổi thịnh vượng kinh tế thông qua cải thiện kết nối và tăng cường quan hệ đối tác kinh tế; Duy trì hòa bình và ổn định.

Để triển khai thành công FOIP, theo Giáo sư Oba, Nhật Bản rất coi trọng vai trò của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời luôn ủng hộ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP).

Bà Oba nhận định: “Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang trở nên gay gắt và trật tự khu vực thay đổi, Nhật Bản và ASEAN đều ở trong hoàn cảnh giống nhau… Đối với cả Nhật Bản và các nước ASEAN, khuyến khích quyền tự chủ chiến lược của ASEAN nói chung và các nước ASEAN là rất quan trọng. Vì vậy, Nhật Bản cần tăng cường hợp tác với tư cách là đối tác tin cậy và bên thứ ba của ASEAN nhằm tăng cường quyền tự chủ chiến lược của ASEAN và các nước thành viên ASEAN”.

Ngoài việc thúc đẩy hợp tác để thực hiện FOIP, tại tất cả các điểm đến, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đều đạt được đồng thuận với các lãnh đạo 5 nước về việc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, đồng thời phản đối các nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở tất cả các khu vực. 

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ở Hà Nội hôm 1/5, Thủ tướng Kishida nói: “Chúng tôi khẳng định các quốc gia đều phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền của các quốc gia khác. Việc thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở bất cứ khu vực nào đều không thể dung thứ”.

Về quan hệ song phương, tại Indonesia - nước giữ ghế Chủ tịch Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20) năm nay và Chủ tịch ASEAN năm 2023, theo Thủ tướng Kishida, Tổng thống Widodo đã “phản hồi tích cực” về việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản mà nước này đã áp đặt sau các sự cố liên tiếp ở Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 ở tỉnh Fukushima.

Trong chuyến thăm Thái Lan - nước sẽ đăng cai Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong năm nay, Thủ tướng Kishida và người đồng cấp Prayut Chan-o-cha đã nhất trí về sự cần thiết nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, đồng thời nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực, trong đó có tình hình ở Myanmar. Bên cạnh đó, hai nước đã ký kết hiệp định chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng nhằm làm sâu sắc hơn hợp tác an ninh giữa hai nước.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Kishida đã nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực đầu tư, thương mại, nông nghiệp, năng lượng, môi trường; đẩy nhanh các thủ tục để Nhật Bản công bố mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản vào tháng 9/2022, tiếp tục tạo điều kiện để các loại hoa quả khác là bưởi, bơ, chôm chôm xuất khẩu sang Nhật Bản; tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực; hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh, quốc phòng; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gặp gỡ báo chí sau hội đàm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gặp gỡ báo chí sau hội đàm. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong thời hậu dịch COVID-19, đồng thời nhất trí thúc đẩy giao lưu văn hóa, nhân dân, du lịch, nhất trí phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023 tương xứng với tầm mức quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng.

Sau cuộc hội đàm ở Hà Nội, các thủ tướng đã chứng kiến lễ trao đổi 22 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước. Nhân dịp này, hai bên nhất trí thông qua Bản cập nhật tiến độ hợp tác trên 8 lĩnh vực gồm: y tế, đầu tư và thương mại, ODA và cơ sở hạ tầng, giao lưu nhân dân, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, hợp tác tư pháp, quốc phòng an ninh, hợp tác văn hóa, giáo dục.

Bình luận về kết quả chuyến thăm của Thủ tướng Kishida tới Việt Nam, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định các hoạt động của Thủ tướng Kishida trong 23 giờ lịch sử tại Hà Nội “đã đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng hai nước đi vào giai đoạn mới thực chất, hiệu quả”.

Tại Italy và Anh, Thủ tướng Kishida đều đạt được đồng thuận về việc tăng cường hợp tác giữa Nhật Bản với các nước này trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Riêng tại Anh, Thủ tướng Kishida và người đồng cấp của nước chủ nhà Boris Johnson đã nhất trí về nguyên tắc Hiệp định Tiếp cận đối ứng (RAA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Bên cạnh đó, hai bên cũng khẳng định sẽ hợp tác với nhau để hỗ trợ các quốc gia châu Á phát triển năng lượng tái tạo trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh. Đặc biệt, Thủ tướng Johnson thông báo vào cuối tháng 6 tới, Chính phủ Anh dự kiến sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của Nhật Bản mà London đã áp đặt từ năm 2011.

Có thể thấy, chuyến công du vừa qua của Thủ tướng Kishida không chỉ góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Nhật Bản với từng nước, mà còn thúc đẩy các nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, hướng tới thực hiện FOIP – một sáng kiến hết sức quan trọng trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động như hiện nay.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.