Multimedia Đọc Báo in

Giải cứu tài chính với Ukraine cũng khẩn thiết không kém vũ khí

13:48, 22/06/2022

Gần bốn tháng sau cuộc chiến với Nga, Ukraine đang phải đối mặt với một mối đe dọa khác: Khủng hoảng kinh tế.

Cho đến nay, quốc gia này đã tránh được một cuộc khủng hoảng toàn hệ thống nhờ các biện pháp đặc biệt, bao gồm in tiền trị giá hơn 4 tỷ USD; phát hành 3 tỷ USD trái phiếu chiến tranh; tái cấp vốn không giới hạn cho các ngân hàng; thực thi kiểm soát vốn; và cố định tỷ giá hối đoái.

Nhưng can thiệp kỹ thuật chỉ là một giải pháp ngắn hạn khi nền kinh tế thực sự suy thoái. Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, xuất nhập khẩu của Ukraine đã giảm hơn một nửa; nợ công đã tăng hơn gấp đôi; nguồn thu thuế đã sụp đổ; và sức tiêu dùng giảm mạnh. Tổng sản lượng kinh tế dự kiến sẽ giảm 45% trong năm nay.

Ukraine đang duy trì sự tồn tại của mình nhờ sự hỗ trợ từ phương Tây, nhưng trợ giúp đang đến chậm, và ít hơn những gì họ cần để có thể bù đắp thâm hụt ngân sách đang gia tăng nhanh chóng.

Đất nước không còn có thể tự duy trì tài chính, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Trong ảnh, Tổng thống Zelensky nói về viện trợ vũ khí và tình hình chiến tranh tại cuộc họp báo ở Kiev. Ảnh: Getty Images
Đất nước không còn có thể tự duy trì tài chính, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện. Trong ảnh, Tổng thống Zelensky nói về viện trợ vũ khí và tình hình chiến tranh tại cuộc họp báo ở Kiev. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ông Tymofiy Mylovanov, cựu bộ trưởng kinh tế và hiện là cố vấn của Tổng thống Zelensky, cho biết: “Nếu nguồn tài chính không được biến thành một cách tiếp cận bền vững, được thể chế hóa để giải quyết các nhu cầu của ngân sách, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài khóa”.

Những biện pháp tuyệt vọng

Khi bắt đầu xung đột, người Ukraine đổ xô đi mua trái phiếu chiến tranh và giữ tiền tiết kiệm, với hy vọng chiến sự sẽ không kéo dài. Nhưng điều đó lúc này đã thay đổi.

Khi lạm phát tăng vọt - chạm mức 16,4% vào tháng 4 - người dân Ukraine đã tìm cách bảo vệ khoản tiết kiệm của họ bằng cách bán đồng hryvnia để lấy ngoại tệ mạnh và hàng hóa bền vững, do đó làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối của đất nước. Ngân hàng trung ương đã rút 7,4 tỷ USD để đảm bảo tỷ giá hối đoái, nhưng nhấn mạnh rằng "biên độ an toàn này không thể kéo dài mãi, đặc biệt nếu chiến tranh kéo dài."

Bà Maria Repko, Phó giám đốc Trung tâm Chiến lược Kinh tế Kiev, cho biết: “Dữ liệu cho thấy Ukraine đang thực sự đến gần lề một cuộc khủng hoảng tài chính rất lớn”.

Để ngăn chặn nguy cơ "đô la hóa" nền kinh tế, hoặc siêu lạm phát và phá giá đồng nội tệ, ngân hàng trung ương Ukraine tuần trước đã tăng tỷ giá chuẩn từ 10% lên 25%, trong một động thái khiến các nhà phân tích ngạc nhiên.

Ukraine đang lâm vào những khó khăn kinh tế trầm trọng do chiến tranh. Trong ảnh, một người mẹ trong đám tang của con trai là binh sĩ quân đội Ukraine, ngày 3/6/2022. Ảnh: AP
Ukraine đang lâm vào những khó khăn kinh tế trầm trọng do chiến tranh. Trong ảnh, một người mẹ trong đám tang của con trai là binh sĩ quân đội Ukraine, ngày 3/6/2022. Ảnh: AP/TTXVN

Mykhaylo Demkiv, nhà phân tích tài chính ở Kiev, cho biết mức tăng này là "một cú sốc lớn": "Đó là một tín hiệu cho thấy mọi thứ đang diễn ra không tốt trong nền kinh tế và ngân hàng trung ương nhận thấy điều đó."

Nhưng theo ông Mylovanov, không rõ liệu chính sách tăng tỷ giá có thành công hay không, "bởi các cơ chế tiền tệ trong chiến tranh đã yếu hơn khi thị trường không vận hành tốt như trong thời bình”.

Ngân hàng trung ương Ukraine cũng kêu gọi tăng lãi suất với trái phiếu chính phủ, nhưng Bộ Tài chính đến nay vẫn từ chối với lý do quyết định đó sẽ làm tăng chi phí thanh toán nợ của chính phủ. 

Ukraine chỉ có hy vọng lấp đầy khoảng trống ngân sách mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính là 5 tỷ USD mỗi tháng, nhờ dựa vào sự hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đồng minh phương Tây.

Kỳ vọng và thực tế

Theo đánh giá của IMF mà trang Politico tiếp cận được, các cam kết được công bố cho đến đầu tháng 6 đã lên tới gần 30 tỷ USD và sẽ hạn chế việc tiêu hao dự trữ của Ukraine xuống còn 9,4 tỷ USD trong năm nay, “với điều kiện giải ngân kịp thời”.

Nhưng trong khi các con số khổng lồ được công bố, với kỳ vọng hỗ trợ Ukraine trong năm tới, tới nay mới chỉ có 6,7 tỉ USD, tức chiếm chưa đến 1/3 tổng số cam kết, đến được tay Kiev, theo Bộ Tài chính nước này. 

Người lính Ukraine trong chiến hào ở vùng Donetsk. (Ảnh: AP/TTXVN)
Người lính Ukraine trong chiến hào ở vùng Donetsk. Ảnh: AP/TTXVN

"Có sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế", Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko nói.

Gần một tháng trước, EU đã công bố khoản vay được trợ cấp trị giá 9 tỷ euro, nhưng hiện đang phân vân về các chi tiết cụ thể. Điểm mấu chốt của tranh cãi là Ủy ban châu Âu đã yêu cầu các nước EU cung cấp bảo đảm để hoàn trả các khoản vay, với lãi suất do ngân sách EU chi trả.

Các nhà lãnh đạo EU đã ủng hộ ý tưởng này tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 5, nhưng Đức - nước cam kết viện trợ 1 tỷ euro cho Ukraine thông qua IMF – lại phản đối việc cung cấp các khoản vay, dù có trợ cấp.

Các nhà ngoại giao cho biết Berlin không muốn bỏ thêm vào gánh nặng nợ nần của Ukraine và thay vào đó ủng hộ việc cung cấp các khoản viện trợ.

Cho đến nay, chỉ có khoảng 20% nguồn tài chính được cung cấp là trợ cấp, trong khi phần còn lại là tài trợ hoàn trả.

Ủy ban châu Âu hiện chưa nêu rõ lộ trình cho cam kết trị giá 9 tỉ euro. Người phát ngôn của Ủy ban này tuần trước cho hay "công việc đang được tiến hành" và mục tiêu là "bắt đầu giải ngân vào mùa hè."

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.