Multimedia Đọc Báo in

Cuộc chiến Nga – Ukraine và sự chia rẽ của phương Tây

06:11, 19/06/2022

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài hơn 3 tháng và vẫn chưa cho thấy dấu hiệu của sự kết thúc. Trong khi đó, giữa các nước phương Tây đang diễn ra sự bất đồng sâu sắc về giải pháp cho cuộc xung đột này.

Các nước phương Tây đang đối mặt với hàng loạt câu hỏi về cuộc chiến ở Ukraine. Liệu đàm phán hay cô lập Tổng thống Putin là lựa chọn tốt hơn? Liệu Kiev nên nhượng bộ để chấm dứt cuộc chiến này hay chiến đấu với Nga đến cùng? Liệu việc tăng cường các lệnh trừng phạt Nga có hiệu quả hay chỉ khiến phương Tây "gậy ông đập lưng ông"?

Giữa bối cảnh các chính phủ phương Tây quay cuồng giải quyết tình trạng lạm phát và giá năng lượng leo thang, các quốc gia như Hungary và Italy đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhanh chóng. Điều này có thể tạo điều kiện để thu hẹp quy mô các lệnh trừng phạt Nga và chấm dứt phong tỏa các cảng biển Ukraine - vốn đang khiến cuộc khủng hoảng an ninh lương thực ở những quốc gia nghèo nhất thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, Ukraine, Ba Lan và các nước vùng Baltic cho rằng, Nga không đáng tin cậy, đồng thời nhận định, lệnh ngừng bắn có thể khiến Nga củng cố những thành quả đạt được, tái tổ chức lực lượng và tiến hành nhiều cuộc tấn công hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng nói ông muốn Nga "bị suy yếu", trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, Ukraine không được chấp nhận một thỏa thuận hòa bình "tồi" và Kiev "phải chiến thắng". Đức và Pháp vẫn giữ lập trường mơ hồ khi tuyên bố sẽ ngăn chặn Nga giành chiến thắng thay vì đánh bại Moscow, đồng thời ủng hộ những biện pháp trừng phạt cứng rắn mới.

Hệ thống pháo Himars của Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh: KT

Tổng thống Pháp Macron cảnh báo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đều không nên "làm bẽ mặt Nga". Giống như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp vẫn duy trì các kênh đối thoại với Điện Kremlin, điều khiến cho các quốc gia có lập trường cứng rắn hơn không hài lòng.

Ông Scholz cho biết những cuộc điện đàm của ông và Tổng thống Pháp với Tổng thống Putin được tiến hành nhằm truyền đạt những thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ, cũng như nhấn mạnh rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ không thể chấm dứt chiến tranh trừ khi Moscow rút quân và chấp nhận một thỏa thuận hòa bình có thể chấp nhận được với Ukraine.

 

Sự chia rẽ trong lòng phương Tây ngày càng sâu sắc khi các biện pháp trừng phạt và chiến tranh tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, làm dấy lên phản ứng dữ dội trong nước và thậm chí đang làm lợi cho Nga.

Tuy nhiên, một trong những thành viên trong đội ngũ cố vấn của Thủ tướng Đức đã bày tỏ sự lo ngại về cách dùng từ của Tổng thống Pháp Macron. Một số nhà ngoại giao Pháp cũng kín đáo thể hiện thái độ thận trọng trước lập trường của ông Macron khi cho rằng điều đó có thể khiến Paris xa cách Ukraine và những đồng minh Đông Âu khác.

Cảnh báo của Tổng thống Macron về việc không nên "làm bẽ mặt Nga" khiến Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bình luận rằng điều đó cho thấy Pháp chỉ đang làm bẽ mặt chính mình. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Kiev và Thủ tướng Đức hiện cũng không mấy nồng ấm.

Mới đây nhất, phát biểu trong cuộc họp báo sau khi kết thúc phiên họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên Liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO chiều tối 15/6 tại Brussels, Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg cho biết các nước NATO đã thống nhất sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả các loại vũ khí hạng nặng lẫn các hệ thống tấn công tầm xa, và gói viện trợ cụ thể sẽ được thông báo khi các nước NATO nhóm họp Thượng đỉnh vào cuối tháng này tại thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Trong khi NATO chưa công bố cụ thể các loại vũ khí sẽ viện trợ cho Ukraine thì trong chiều 15/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ thêm cho Ukraine một gói thiết bị quân sự tiếp theo trị giá 1 tỷ USD, trong đó bao gồm nhiều loại pháo tầm trung cũng như tên lửa chống hạm. Hiện tại, Mỹ vẫn là nước đang viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine.    

Tuy nhiên, trước khi cuộc họp các Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra tại Brussels, các quan chức trong chính quyền Ukraine đã nhiều lần lên tiếng cho rằng hiện nay phương Tây mới chỉ cung cấp được 10% số lượng và chủng loại vũ khí mà nước này yêu cầu. Phía Ukraine cũng chỉ trích mạnh các nước châu Âu khi cho biết rất nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức, mặc dù đã hứa hẹn cung cấp vũ khí cho Ukraine nhưng đến nay vẫn chưa chuyển giao.

Các chuyên gia quân sự phương Tây đánh giá, hiện tại các nước phương Tây đang ngày càng khó đáp ứng yêu cầu từ phía Ukraine do nguồn vũ khí dự trữ tại các nước đều đã sắp cạn kiệt. Tổng Thư ký NATO, Jens Stoltenberg cũng thừa nhận, các nước NATO cần phải có thêm thời gian mới có thể đáp ứng các đòi hỏi từ Ukraine.

Sự chia rẽ trong lòng phương Tây ngày càng sâu sắc khi các biện pháp trừng phạt và chiến tranh tác động mạnh mẽ đến kinh tế toàn cầu, làm dấy lên phản ứng dữ dội trong nước và thậm chí đang làm lợi cho Nga. Theo một cuộc khảo sát được Hội đồng đối ngoại châu Âu (ECFR) tiến hành mới đây với gần 10.000 người tại 9 quốc gia châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, hiện số người dân châu Âu lo lắng vì giá cả leo thang, kinh tế khó khăn đã nhiều hơn số người muốn châu Âu giúp đỡ Ukraine đến cùng trong cuộc chiến với Nga. "Tình hình sẽ trở nên ngày càng khó khăn hơn qua thời gian, khi mà sự mệt mỏi vì chiến tranh lớn dần", Thủ tướng Estonia Kaja Kallas bình luận trong cuộc trả lời phỏng vấn với CNN.

Nhiều lãnh đạo cấp cao châu Âu, như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng đến một lúc nào đó Ukraine sẽ phải đàm phán với Nga để chấm dứt cuộc chiến chứ không thể kéo dài mãi. Ông Macron hiện đang có chuyến thăm đến Romania và Moldova nhằm trấn an các nước này trước các biến động gây ra bởi cuộc chiến tại Ukraine.

Hồng Hà (Theo VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.