Multimedia Đọc Báo in

Những rào cản tiếp theo trên con đường gia nhập EU của Ukraine

17:17, 21/06/2022

Mới đây, Ủy ban châu Âu đã trao tư cách "ứng cử viên" cho Ukraine gia nhập EU. Chỉ hơn ba tháng sau khi xung đột với Nga nổ ra, Ukraine đã vượt qua rào cản đầu tiên trên con đường trở thành thành viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước để Ukraine là một thành viên đầy đủ trong EU.

Cả Ukraine, Moldova và Gruzia đều nộp đơn xin gia nhập EU chỉ vài ngày sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2.

Ba tháng rưỡi sau, Ủy ban châu Âu đã hoàn thành đợt kiểm tra đầu tiên với hàng nghìn trang tài liệu và đề nghị Hội đồng châu Âu gồm 27 quốc gia thành viên EU trao "tư cách ứng cử viên" cho Ukraine và Moldova.

Hội đồng châu Âu có thể nhất trí xác nhận bước đầu tiên quan trọng này tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào ngày 23-24/6. Sau khi các nhà lãnh đạo của ba quốc gia thành viên lớn nhất châu Âu - Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi - lên tiếng ủng hộ Ukraine, ít có khả năng Hội đồng châu Âu sẽ phản đối.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Ukraine đã chứng minh rằng họ tôn trọng các giá trị châu Âu và mong muốn sống theo các tiêu chuẩn đó. "Cuộc xung đột cho thấy người Ukraine sẵn sàng hy sinh vì viễn cảnh của châu Âu và giờ đây, Ukraine tự quyết định tương lai của mình", bà Leyen lưu ý.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải) phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev. Ảnh: AP/TTXVN

Tuy nhiên, tư cách thành viên ngay lập tức mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị sẽ không xảy ra. EU quy định một quy trình phức tạp cho nước gia nhập. Các ứng cử viên phải đáp ứng một loạt tiêu chí liên quan đến hệ thống chính trị, pháp quyền và tuân thủ các quy tắc toàn diện của EU.

Cho đến nay, Phần Lan là quốc gia hoàn thành quá trình này nhanh nhất, chỉ trong ba năm. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia đàm phán từ năm 2005, nhưng vẫn không có kết quả cụ thể.

Chỉ vài tuần trước, Tổng thống Pháp Macron đã cảnh báo trước rằng các cuộc đàm phán với Ukraine có thể mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ. Thay vào đó, ông Macron đã gợi ý giải pháp tạm thời là hợp tác chính trị giữa Ukraine và EU.

Kinh nghiệm cho thấy một số trở ngại có thể xuất hiện trong quá trình gia nhập. Trên hết, EU đang tìm cách tránh lặp lại những sai lầm trước đây: Năm 2004, khối này đã mở rộng tư cách thành viên cho quốc đảo Cyprus (Síp) ở Địa Trung Hải, mặc dù phía Bắc của nước này vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng. Do đó, cuộc xung đột đã trở thành một phần của EU và vẫn chưa được giải quyết cho đến ngày nay. Vì vậy, việc trở thành thành viên thực sự là một viễn cảnh xa vời, vì cả Ukraine và Moldova đều có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết với Nga hoặc phe đòi độc lập.

Các quy tắc hiện hành của EU quy định rằng các cuộc xung đột liên quan Ukraine (ở Donbass và Crimea) cũng như liên quan Moldova (ở Trans-Dniester) phải được giải quyết trước khi một trong hai nước có thể trở thành thành viên.

Các quan chức EU cũng nhận ra những thách thức tài chính mà mỗi ứng cử viên sẽ mang lại. Tư cách thành viên của Ukraine, vốn tương đối kém so với phần còn lại của EU, sẽ có những hậu quả sâu rộng đối với các quốc gia tiếp nhận ở Trung Âu hiện tại. Hệ thống trợ cấp nông nghiệp của khối cũng sẽ phải được cơ cấu lại toàn diện vì Ukraine sẽ gia nhập khối với tư cách là quốc gia có diện tích đất canh tác lớn nhất EU. 

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.