Multimedia Đọc Báo in

Pháp lâm vào thế bế tắc chính trị sau bầu cử Quốc hội

09:34, 25/06/2022

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang tiếp tục gặp gỡ lãnh đạo các chính đảng tại Pháp nhằm tìm giải pháp phá vỡ thế bế tắc chính trị trên chính trường Pháp sau khi liên đảng ủng hộ ông Macron không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hôm 19/6.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lần lượt tiếp Chủ tịch các đảng thuộc phe đối lập như đảng “Những người Cộng hòa” (LR), đảng Xã hội (PS), đảng Cộng sản (PCF) và đảng “Tập hợp quốc gia”, cũng như làm việc với lãnh đạo đảng đồng minh “Phong trào Dân chủ” – MoDem; tham vấn lãnh đạo các đảng phái khác như đảng “Nước Pháp bất khuất” ( LFI) hay đảng Sinh thái (EELV)…

Trọng tâm chính trong các cuộc tiếp xúc giữa ông Macron với lãnh đạo các chính đảng tại Pháp là tìm ra giải pháp thoát khỏi thế bế tắc chính trị hiện nay sau khi liên đảng ủng hộ ông Macron thất bại trong việc giành đa số tuyệt đối tại Quốc hội, khiến nước Pháp đối mặt với nguy cơ tê liệt chính trị vì các quyết sách cải cách lớn của chính phủ Pháp có thể bị cản trở bởi các đảng đối lập tại Quốc hội.

Tuy nhiên, đã không có bất cứ cam kết hay thỏa thuận nào được đưa ra sau các cuộc gặp của ông Macron với lãnh đạo các đảng. Phát biểu trên truyền thông Pháp, Chủ tịch đảng “Những người Cộng hòa” (LR), ông Christian Jacob khẳng định đảng của ông kiên định đứng về phía đối lập với ông Macron và chính phủ Pháp, dù sẽ không tìm cách làm tê liệt hệ thống chính trị. Bí thư thứ nhất đảng “Xã hội” (PS), ông Olivier Faure thì thừa nhận vào thời điểm hiện nay ông không nhận thấy Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có một hướng đi khả quan nào. Trong khi đó, đối thủ chính trị lớn nhất của ông Macron là bà Marine Le Pen, Chủ tịch đảng “Tập hợp quốc gia” thì cho biết, ông Macron đã tỏ ra lắng nghe trong cuộc làm việc nhưng không chắc Tổng thống Pháp có chấp nhận thay đổi hay không.         

Một kịch bản đang được đề cập đến là việc thành lập chính phủ đoàn kết quốc gia, tức bao gồm các thành viên đến từ nhiều đảng phái khác nhau. Tuy nhiên, lãnh đạo một số đảng phái khác đã ngay lập tức phủ nhận khả năng này. Một số thành viên chủ chốt trong liên minh ủng hộ ông Macron cũng không tán thành ý tưởng này.

Tổng thống Pháp Macron đối mặt với khó khăn lớn sau bầu cử Quốc hội. Ảnh: VOV

Trong lúc này, bên cạnh các nỗ lực tham vấn với các đảng phái để tìm lối thoát cho khủng hoảng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng phải xử lý nhiều vấn đề hóc búa khác. Trong ngày 21/6, nữ Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã đệ đơn từ chức lên ông Macron nhưng bị bác bỏ vì ông Macron cho rằng chính phủ Pháp cần tiếp tục hoạt động trong thời điểm này. Ngoài ra, liên đảng của ông Macron cũng đang phải đấu tranh cho chức Chủ tịch Quốc hội Pháp, hiện đang bỏ trống sau khi Chủ tịch Quốc hội khóa trước là ông Richard Ferrand, đồng minh chính trị thân cận của ông Macron, thất bại trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trước đó, vào ngày 20/6, theo kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 được Bộ Nội vụ Pháp công bố, liên minh “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ có 246 ghế tại Quốc hội Pháp khóa tới, không đủ đa số tuyệt đối, đồng thời cũng sẽ trở thành liên minh ủng hộ tổng thống có số ghế ít nhất trong lịch sử nền Cộng hòa thứ V nước Pháp.

 

Liên minh “Chung sức” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chỉ có 246 ghế tại Quốc hội Pháp khóa tới, không đủ đa số tuyệt đối, đồng thời cũng sẽ trở thành liên minh ủng hộ tổng thống có số ghế ít nhất trong lịch sử nền Cộng hòa thứ V nước Pháp.

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 cũng đã đưa nền chính trị Pháp vào một cục diện chưa có tiền lệ kể từ năm 1958, đó là không có một đa số tại Quốc hội và trong 10 nhóm đảng hiện diện tại Quốc hội Pháp, có đến 7 nhóm đảng đứng về phía đối lập với Tổng thống và 3 trong số đó có trên 58 nghị sĩ, tức đủ điều kiện để đưa ra các yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ Pháp bất cứ khi nào. Ngoài ra, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp 2022 cũng chứng kiến những chi tiết đáng chú ý khác, như lần đầu tiên đương kim Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, ông Richard Ferrand, thất cử.

Tất cả những điều này đang có nguy cơ đẩy nước Pháp vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn. 577 nghị sĩ của Quốc hội Pháp khóa mới sẽ chính thức bắt đầu công việc từ ngày 28/6 nhưng ngay trong sáng 20/6, một số nghị sĩ thuộc cánh tả đối lập đã lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của nữ Thủ tướng Elisabeth Borne. Nghị sĩ Eric Coquerel thuộc đảng “Nước Pháp bất khuất” (LFI) cho rằng với các kết quả bầu cử vừa qua, bà Elisabeth Borne không thể tiếp tục làm Thủ tướng Pháp và khẳng định phe đối lập cánh tả sẽ đệ trình đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà Borne khi Quốc hội Pháp nhóm họp trong thời gian tới.

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ buộc chính phủ Pháp phải có những thay đổi nhân sự không mong muốn. Ba bộ trưởng trong chính phủ mới nhậm chức của bà Elisabeth Borne là bà Brigitte Bourguinon (Bộ trưởng Y tế), bà Amélie de Montchalin (Bộ trưởng phụ trách việc chuyển đổi sinh thái) và bà Justine Benin (Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề biển) đều đã thất bại trong cuộc bầu cử và phải từ chức trong những ngày tới.

Theo nhìn nhận của chuyên gia lập hiến Philippe Derosier, việc không đạt được đa số tuyệt đối “sẽ dẫn tới nguy cơ xuất hiện một chính phủ bị ngáng trở, bị kìm hãm, không thể thực hiện tất cả các dự án cải cách như mong muốn. Điều này khiến chính phủ cần phải đàm phán và giao thiệp nhiều hơn”. Hàng loạt dự án cải cách mà ông Macron đề ra khi tái đắc cử tổng thống Pháp, chẳng hạn cải cách hưu trí, y tế, an ninh, chống biến đổi khí hậu, hoặc các chương trình cải thiện sức mua cho các hộ gia đình, chống lạm phát... rất có thể sẽ gặp trở ngại từ các đảng đối lập.

Hồng Hà

(Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.