Multimedia Đọc Báo in

Đẩy nhanh hành động để chống biến đổi khí hậu

08:23, 23/07/2022

Châu Âu đang hứng chịu nắng nóng khắc nghiệt, nhiệt độ tại nhiều nơi tăng cao chưa từng thấy, dẫn đến cháy rừng dữ dội gây thiệt hại về người và tài sản. Biến đổi khí hậu đang được cho là nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục trên toàn cầu.

Nắng nóng kỷ lục ở châu Âu

Nhà chức trách Bồ Đào Nha cho biết, nước này đã ghi nhận hơn 1.000 người chết trong đợt nắng nóng nghiêm trọng tại châu Âu hiện nay. Đa phần các nạn nhân là người già. Số người chết sẽ còn tăng tùy thuộc vào việc nhà chức trách sẽ đối phó như thế nào với tác động của biến đổi khí hậu do nhiệt độ tăng cao.

Trong tuần qua, mức nền nhiệt ở Bồ Đào Nha luôn trên 40 độ C. Mặc dù nhiệt độ có giảm trong một vài ngày qua song vẫn cao so với mức nhiệt hằng năm. Cháy rừng ở nước này đã khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương, thiêu rụi khoảng 12.000 - 15.000 ha rừng.

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận 510 người tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến thời tiết nắng nóng trong tuần đầu tiên (từ ngày 10 - 16/7) của đợt nắng nóng. Đây là đợt nắng nóng thứ hai của Tây Ban Nha trong mùa hè năm nay. Đợt trước đó từ ngày 11 - 17/6 khiến 829 người tử vong.

Thêm vào đó, khoảng 20 vụ cháy rừng vẫn đang hoành hành từ khu vực phía Nam đến vùng Galicia ở cực Tây Bắc của Tây Ban Nha. Ít nhất 4.500 ha rừng đã bị thiêu rụi do “giặc lửa”.

Tại Cộng hòa Ireland, nhiệt độ ở thủ đô Dublin đã tăng lên 33 độ C, mức cao nhất kể từ năm 1887.

Trong khi đó tại Hà Lan, nhiệt độ ở thành phố miền Nam Westdorpe là 35,4 độ C; tại nước láng giềng Bỉ, nhiệt độ được dự báo vượt ngưỡng 40 độ C.

Cháy rừng dữ dội tại làng Wennington, phía đông London, Anh. Ảnh: Daily Mail

Tại Anh, ngày 19/7, cơ quan khí tượng nước này đã ghi nhận nhiệt độ 40,2 độ C tại sân bay Heathrow ở Luân Đôn, mức nhiệt cao nhất trong lịch sử nước này. Nhiệt độ cao đã khiến phần lớn nước Anh và xứ Wales phải ban bố báo động đỏ. Một số tuyến đường sắt và trường học đã phải đóng cửa; khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, ngừng các hoạt động ngoài trời, không hạ nhiệt bằng cách tắm ở các hồ nước công cộng…

Theo kênh truyền hình Sky News, căn cứ Brize Norton của Không quân Hoàng gia Anh ở hạt Oxfordshire đã phải cho dừng các chuyến bay tại đây do thời tiết nắng nóng làm chảy đường băng. Sân bay dân sự Luton ở ngoại ô thủ đô London cũng phải cho dừng một số chuyến bay do bề mặt đường băng bị ảnh hưởng do nắng nóng gay gắt.

Ở bên kia eo biển Manche, hàng loạt thị trấn và thành phố của Pháp ngày 18/7 báo cáo mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa Pháp vẫn đang chật vật khống chế các đám cháy rừng dữ dội gây thiệt hại trên diện rộng.

Đợt nắng nóng khắc nghiệt tại châu Âu kéo dài nhiều ngày qua đã gây ra cháy rừng ở nhiều nước châu Âu, khiến hơn 345.000 ha rừng bị thiêu rụi (từ ngày 1/1 - 16/7/2022) và hàng nghìn người phải sơ tán.

Cần đẩy nhanh hành động vì khí hậu

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19/7 cho biết nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động để chống biến đổi khí hậu, và chính phủ Mỹ cam kết sẽ làm phần việc của mình bất chấp sự phản đối của cơ quan lập pháp và tư pháp.

Trong tài liệu trình Liên hiệp quốc năm ngoái theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Mỹ cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 50 - 52% lượng khí thải so với mức năm 2005. Đầu tháng này, đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Mỹ, ông John Kerry cho biết Mỹ sẽ đạt mục tiêu trên bất chấp việc Tòa án Tối cao giảm quyền của chính phủ liên quan đến khí thải CO2.

Trước đó, vào ngày 18/7, các quan chức cấp cao đến từ 40 quốc gia trên thế giới đã nhóm họp tại thủ đô Berlin (Đức) để thảo luận về cách tiếp tục tập trung vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và khắc phục tác động của tình trạng Trái Đất nóng lên.

Phát biểu tại cuộc họp, Đặc phái viên về khí hậu của Đức, bà Jennifer Morgan cho biết nhiều nước nghèo nhất và dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện đang hứng chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Các nước đang phát triển vẫn đang chờ các nước giàu có viện trợ 100 tỷ USD/năm để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đây là mục tiêu mà các nước đang phát triển từng dự kiến đạt được trước năm 2020. Tuy nhiên, những nước phát thải lớn trên thế giới lâu nay phản đối ý kiến cho rằng họ phải bồi thường những thiệt hại mà họ đã gây ra cho hành tinh do phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Về phần mình, Chủ tịch Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) tại Glasgow (Anh), ông Alok Sharma cho biết nhiều khu vực của châu Âu đang hứng chịu nắng nóng như thiêu đốt và đây cũng là tình cảnh chung của hàng triệu người trên khắp thế giới. Theo đó, quan chức Anh kêu gọi các đặc phái viên cần đẩy nhanh hành động vì khí hậu.

Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra hai ngày tại Berlin, các phiên thảo luận kín được tổ chức, trong đó các chuyên gia trình bày trước các bộ trưởng về hậu quả của biến đổi khí hậu, sau đó chia thành các nhóm nhỏ để thảo luận và lắng nghe nhau với hy vọng xây dựng lòng tin.

Các nhà tổ chức coi sự kiện này là cơ hội để các quốc gia giàu và nghèo xây dựng lại lòng tin trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27) tại Ai Cập vào tháng 11 tới, sau khi các cuộc thảo luận về kỹ thuật hồi tháng trước đạt được ít tiến triển về những vấn đề quan trọng như viện trợ cho những nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cảnh báo các đợt nắng nóng như đang xảy ra tại Tây Âu sẽ trở nên thường xuyên hơn và xu hướng này dự báo sẽ tiếp diễn ít nhất đến những năm 2060. WMO cho rằng đợt nắng nóng hiện nay cần được xem như lời cảnh báo đối với những quốc gia đang thải ngày càng nhiều khí CO2 vào khí quyển trái đất.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.