Multimedia Đọc Báo in

Sóng gió bủa vây tương lai Thủ tướng Anh Liz Truss

21:10, 18/10/2022

Chỉ chưa đầy 50 ngày sau khi nhậm chức, Thủ tướng Anh Liz Truss đang phải đối mặt với một trong những thức thách lớn nhất có thể ảnh hưởng đến chiếc ghế của bà.

“Những sai lầm” trong chính sách của chính phủ đương nhiệm đã khiến niềm tin của nhà đầu tư cũng như mức độ tín nhiệm đối với chính phủ sụt giảm nghiêm trọng.

Bà Truss nói: “Tôi nhận ra chúng tôi đã mắc sai lầm, tôi xin lỗi vì những sai lầm đó, nhưng tôi đã sửa chữa, tôi đã bổ nhiệm một bộ trưởng mới. Chúng tôi đã khôi phục sự ổn định kinh tế, kỷ luật tài chính và những gì tôi muốn làm bây giờ là tiếp tục và thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Những lời xin lỗi của Thủ tướng Liz Truss được đưa ra hôm nay (18/10) theo giờ Việt Nam cho thấy, bà nhận trách nhiệm về những sai lầm của mình và khẳng định sẽ không từ chức Thủ tướng. Tuy nhiên, có thể thấy chiếc ghế của bà Liz Truss đang bị lung lay dữ dội bởi không chỉ áp lực đến từ dư luận Anh mà còn cả từ nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền.

Bà Truss. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Anh Liz Truss. Ảnh: AFP/VOV

Theo nhật báo Independent, ngày 16/10, nghị sĩ Crispin Blunt đã trở thành nghị sĩ đảng Bảo thủ đầu tiên công khai kêu gọi bà Liz Truss từ chức.

Trả lời trên chương trình Andrew Neil Show phát trên kênh truyền hình Channel 4, nghị sĩ Blunt cho rằng, Thủ tướng Liz Truss không thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay và gợi ý thay thế bà bằng những ứng viên như ông Rishi Sunak, Penny Mordaunt và Jeremy Hunt.

Trong khi đó, một nghị sĩ cấp cao khác của đảng Bảo thủ là cựu Bộ trưởng Mark Garnier cũng gây sức ép khi cho rằng mặc dù bà Liz Truss đang tại chức nhưng không nắm quyền. Nghị sĩ Jamie Wallis của đảng Bảo thủ tuyên bố ông đã viết thư cho Thủ tướng kêu gọi bà từ chức vì bà không còn giữ được niềm tin của người dân nước Anh.

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt, người mới nhậm chức hôm 14/10 cũng cho rằng, bà Truss đã sai lầm khi thông báo một loạt khoản cắt giảm thuế lớn mà không giải thích chi tiết về các giải pháp kèm theo.

Ông Hunt hôm ngày 15/10 đánh giá chính sách của bà Truss “đã đi quá xa và quá nhanh”: “Thật là sai lầm khi cắt giảm mức thuế cao nhất vào thời điểm mà chúng tôi đang yêu cầu mọi người thắt lưng buộc bụng và thật là sai lầm khi không sao lưu các kế hoạch kinh tế đã được công bố với một dự báo độc lập từ Văn phòng phụ trách Ngân sách”.

Trong một động thái có liên quan, hơn 100 nghị sĩ của đảng Bảo thủ cũng đã gửi thư bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng tới ông Graham Brady - Chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Dư luận cho rằng, tương lai Thủ tướng Anh sẽ được quyết định trong những tuần tới, tuy nhiên cơ hội vẫn còn để bà Liz Truss có thể “sửa chữa” các sai lầm của mình nếu thị trường phản hồi tích cực trước các chính sách mới. Bên cạnh đó, bà Liz Truss cũng có thể tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm thay vì đồng ý từ chức.

Theo quy định của đảng Bảo thủ, bà Liz Truss được bảo vệ khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong vai trò lãnh đạo trong một năm. Ngoài ra, giờ đây chiếc ghế của bà Liz Truss còn gắn chặt với tương lai của đảng Bảo thủ, khi cả Philip Hammond, cựu Bộ trưởng Tài chính và Nadine Dorries, Bộ trưởng Văn hóa Anh cho rằng, nếu nước Anh thay đổi thủ tướng một lần nữa sẽ dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử và đó có thể là điều mà đảng Bảo thủ cầm quyền không hề mong đợi.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc