Nước Pháp rơi vào tình trạng rối ren
Hai ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội mới, chính trường Pháp đang bước vào giai đoạn rất kịch tính và nhiều sóng gió. Quốc hội mới có ba khối lớn với tương quan lực lượng khá ngang nhau nhưng trái ngược về quan điểm, không dễ dàng tìm ra sự đồng thuận. Vì vậy, thành lập chính phủ mới là bài toán nan giải, có thể khiến nước Pháp rơi vào tình trạng bất ổn hơn.
Kết quả bầu cử gây bất ngờ khi liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới đã dẫn đầu (182 ghế), theo sau là liên minh đảng cầm quyền (168 ghế). Hy vọng giành được đa số tuyệt đối của đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) và liên minh bị xóa tan khi chỉ có 143 ghế. Kết cục này xảy ra khi "Mặt trận Cộng hòa" truyền thống đã phát huy tác dụng với nhiều cử tri Pháp đi bỏ phiếu để ngăn chặn nguy cơ có "một chính phủ cực hữu".
Báo chí Pháp đã có nhiều bài phân tích, phản ánh tâm trạng "hồ hởi và nhẹ nhõm" của nhiều cử tri vì đã "nói không" để kịp thời chặn đường khi phe cực hữu ở ngưỡng cửa quyền lực.
Đại diện các đảng phái đến Quốc hội ngày 9/7. Ảnh: LE MONDE. |
Tuy nhiên, nước Pháp hiện đang đối mặt tình trạng chưa từng có. Trong lịch sử của Nền Cộng hòa thứ V, đã có ba lần xảy ra tình trạng "chung sống chính trị" như lần gần nhất vào năm 1986 dưới thời Tổng thống Françoise Miterand với Thủ tướng thuộc cánh hữu và hai lần dưới thời Tổng thống Jacques Chirac (nhiệm kỳ 1995-2007) với Thủ tướng thuộc phe cánh tả.
Nay tình hình khác hẳn vì Quốc hội mới (Hạ viện) bị phân thành ba khối lớn. Việc thành lập nội các mới là một bài toán cực kỳ nan giải đối với các phe phái cũng như Tổng thống Emmanuel Macron.
Theo thông lệ nghị viện tại Pháp, tổng thống đề nghị chức thủ tướng cho khối đông nhất tại Quốc hội, hiện là Mặt trận Bình dân Mới (NFP) gồm Đảng Cộng sản-PCF, Nước Pháp Bất khuất-LFI, đảng Sinh thái-EELV và đảng Xã hội-PS và đảng trung tả Place Publique với chủ trương bảo vệ môi trường và ủng hộ châu Âu hợp nhất.
Ngay từ tối 7/7, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất khuất Jean-Luc Mélenchon đã tuyên bố rằng Tổng thống Emmanuel Macron "không có sự chọn lựa nào ngoài việc bổ nhiệm tân thủ tướng là một nhân vật thuộc NFP". Tới ngày 9/7, Bí thư thứ nhất của đảng Xã hội Olivier Faure cũng cho biết "sẵn sàng đảm nhận" vai trò thủ tướng.
Thỏa thuận của NFP không quy định về một nhóm nghị viện chung và mỗi đảng phái được thành lập một nhóm nếu có đủ 15 đại biểu cần thiết như đảng Xã hội (69 ghế) và đảng Sinh thái (28 ghế). Và ngay trong liên minh cánh tả đang có những bất đồng vì các đảng có nhiều ghế đều muốn có đại diện ra ứng cử vị trí thủ tướng.
Tuy nhiên, căn cứ theo diễn biến mấy năm qua, liên kết với NFP chưa phải là "lựa chọn ưu tiên" vì các đảng trong liên minh này luôn thể hiện "sự đối đầu gay gắt" với tổng thống và đảng cầm quyền. Một số nhận vật chủ chốt của đảng cầm quyền cũng đã lên tiếng, bác bỏ khả năng liên kết với NFP và chấp nhận ông Jean-Luc Mélenchon làm thủ tướng vì có quan điểm trái ngược. Hơn nữa, sau khi đứng đầu trong cuộc bầu cử vừa qua, cánh tả đã đòi bỏ cải cách hưu trí, lại đánh thuế tài sản và ngưng luật nhập cư.
Khả năng liên kết RN bị loại trừ, với NFP cũng không đơn giản, còn với các đảng cánh hữu khác thì không đủ đa số tuyệt đối tại Quốc hội mới. Vì vậy trong lúc các đảng phái đang ráo riết đàm phán hay mặc cả để thành lập một đại liên minh, liên minh cầm quyền cũng chưa có giải pháp nào cho tình cảnh đầy thách thức như hiện nay.
Một số nhận vật chủ chốt của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa và cựu Thủ tướng Édouard Philippe đề xuất thành lập một "chính phủ liên minh và kỹ thuật" để có thể lãnh đạo đất nước trong ít nhất một năm. Dù vậy, việc liên kết giữa liên minh cầm quyền và các đảng cánh hữu chưa chắc đã đủ đa số tuyệt đối để quyết định những vấn đề hệ trọng.
Tổng thống Emmanuel Macron chưa lên tiếng về kết quả bầu cử vòng hai. Điện Elysée chỉ cho biết Tổng thống Pháp sẽ chờ cho đến khi cơ cấu của Quốc hội mới trở nên rõ ràng hơn rồi mới quyết định chọn ai làm tân thủ tướng.
Ngày 8/7, Thủ tướng Gabriel Attal đã đệ đơn từ chức, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron đã không chấp thuận và yêu cầu ông tạm thời tiếp tục lãnh đạo chính phủ để "bảo đảm sự ổn định của đất nước" trong bối cảnh sắp diễn ra Thế vận hội mùa hè Paris 2024.
Tại Pháp, Điều 8.1 của Hiến pháp trao cho tổng thống toàn quyền chỉ định một nhân vật vào chức thủ tướng. Tuy nhiên về mặt chính trị, tổng thống phải tiến hành việc này tùy theo cơ cấu của Quốc hội mới, tức là khó có thể chỉ định một nhân vật thuộc phe của mình sau thất bại bầu cử.
Hiến pháp cũng không ghi rõ là trong thời hạn bao lâu tổng thống phải bổ nhiệm tân thủ tướng. Chưa biết Thủ tướng Gabriel Attal sẽ tạm nắm quyền trong bao lâu vì các phe phái đối lập đã tính tới khả năng bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội mới, dự kiến diễn ra vào ngày 18/7. Liên minh cầm quyền chỉ có 168 ghế nên chính phủ hiện nay "khó có thể vượt qua được" thử thách này.
Diễn biến trên chính trường Pháp mấy năm qua cho thấy, dù liên minh cầm quyền liên kết với các phe phái đối lập để có đa số tuyệt đối tại Quốc hội, hai bên không dễ dàng đạt được sự đồng thuận trong việc lựa chọn thành phần nội các mới, nhất là các vị trí chủ chốt.
Trong bối cảnh phức tạp và nan giải như hiện nay, có thêm khả năng khác. Đó là khi tổng thống tạm thời lập một "chính phủ kỹ thuật”, tức là một nội các chỉ gồm những chuyên viên, đứng đầu là một nhân vật có thể tạo được sự đồng thuận giữa các chính đảng trong Quốc hội. Dù vậy, “chính phủ kỹ thuật” như vậy chủ yếu chỉ “xử lý thường vụ”, chứ không thể đưa ra những dự luật quan trọng.
Như vậy sau bầu cử, nước Pháp đang đối mặt trình trạng rối ren chưa từng có. Phe cực hữu không đạt được mục đích về đầu, nhưng có số lượng nghị sĩ đông đảo nhất từ trước đến nay trong Quốc hội. Đối với Tổng thống Emmanuel Macron, Quốc hội mới sẽ khó điều khiển hơn. Nước Pháp có sớm ổn định hay không sẽ phụ thuộc vào sự sắp xếp lại các lực lượng chính trị tại Quốc hội trong mấy ngày tới.
Theo Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc