Multimedia Đọc Báo in

Kịch tính bầu cử Pháp: Ứng viên cực hữu Le Pen cố xoay chuyển cục diện

18:22, 02/05/2017

Một số kết quả thăm dò dư luận Pháp cho thấy ứng cử viên theo đường lối trung dung Macron sẽ giành ít nhất 60% phiếu ủng hộ sau khi hai đối thủ khác bị đánh bại tại vòng 1 cam kết sẽ ủng hộ ông nhằm ngăn chặn trào lưu chống nhập cư và hoài nghi châu Âu của đối thủ Le Pen.

Tuy nhiên, bà Le Pen đang tìm cách đảo ngược cục diện khi phác họa chân dung cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron như một kẻ yếu thế trong cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, bà Le Pen cũng lên tiếng chỉ trích ông Macron quá “tự mãn” với chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống hôm 23-4 vừa qua, trong đó ông Macron dẫn đầu với hơn 24 % số phiếu ủng hộ và bà Le Pen về thứ hai với 21,58% số phiếu sít sao.

Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Ứng viên Tổng thống Pháp Marine Le Pen. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Về phần mình, ông Macron bác bỏ những lời công kích và cáo buộc từ bà Le Pen. Ông khẳng định sẽ tiếp tục cuộc đua đến ngày 7-5 tới và bảo vệ đến cùng chiến dịch tranh cử tiến bộ của mình.

Mặc dù đã giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Pháp tại vòng 1 bầu cử, song giới phân tích cho rằng ứng cử viên Le Pen vẫn thiếu đa số phiếu ủng hộ cần thiết để có thể giành chiến thắng trong vòng bầu cử quyết định sắp tới. Theo đó, ứng viên Macron có thể dễ dàng đánh bại bà Le Pen với ít nhất 60% số phiếu ủng hộ. Thế nhưng, sau diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm ngoái, các cử tri Pháp cho rằng những kết quả thăm dò dư luận sẽ không nói lên điều gì.

Trong động thái mới nhất, ứng cử viên cực hữu Le Pen đã ký thỏa thuận “Liên minh yêu nước và cộng hòa” với Chủ tịch đảng “Nước Pháp đứng lên” (DLF), Nicolas Dupont-Aignan, ứng cử viên về thứ 6 tại cuộc bầu cử vòng 1 vừa qua. Theo đó, bà cam kết sẽ bổ nhiệm ông Dupont-Aignan làm Thủ tướng nếu bà chiến thắng ở vòng 2. Thỏa thuận “Liên minh yêu nước và cộng hòa” này đề xuất điều chỉnh để đáp ứng những ưu tiên và thách thức mà Chính phủ Pháp sẽ phải đối mặt ngay lập tức. Thỏa thuận vẫn giữ chủ trương trục xuất người nhập cư trái phép và đề cao đạo đức chính trị nhằm chống lại xung đột lợi ích.

Theo Đài Sputnik, bà Marine Le Pen đã tuyên bố bà muốn thay thế Liên minh châu Âu (EU) bằng một "liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền".

Phát biểu trên Đài phát thanh Europe 1, bà Le Pen nhấn mạnh: "Tôi là một người châu Âu, nhưng tôi không muốn duy trì cấu trúc chính trị của EU hiện nay. Dù được gọi là Liên minh châu Âu nhưng liên minh này đã hoàn toàn đi lệch phương hướng. Có lẽ chúng ta sẽ tìm cho nó một cái tên mới, một châu Âu mới của các dân tộc và sự hợp tác. Ví dụ như một liên minh cho phép các nước thành viên tham gia vào những dự án không mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của họ, do vấn đề chính của EU hiện nay là liên minh này đã quá độc đoán".

Bà Le Pen cũng bày tỏ hy vọng sẽ cùng với các nước châu Âu đang chịu thiệt thòi vì EU "thay đổi triệt để mô hình hoạt động" của liên minh này.

Trước đó, người đứng đầu phụ trách chiến dịch tranh cử của bà Le Pen, ông David Rashlin khẳng định bà sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc rời khỏi EU nếu trở thành tổng thống Pháp.

Trong khi đó, 2.000 người đã xuống đường ở thủ đô Berlin (Đức) để tham gia cuộc tuần hành “Nhịp điệu châu Âu”, kêu gọi sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu.

Frexit. (Ảnh: Vox Political)
Frexit. (Ảnh: Vox Political)

Mục đích của sự kiện này là nhằm phản đối mạnh mẽ ý tưởng Frexit, tức là việc nước Pháp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh cuối tuần này Pháp bước vào vòng bầu cử Tổng thống thứ 2.

Cuộc tuần hành “Nhịp điệu châu Âu” đang lan rộng ra các thành phố khác trên khắp nước Đức từ Frankfurt tới Cologne và được phát động tại nhiều nước châu Âu khác như Pháp và Ireland.

Trong cuộc tuần hành ở Berlin, đám đông đã hát bài hát nổi tiếng Khải hoàn môn “Aux Champs Elysées”, hô vang và giơ cao những khẩu hiệu bằng tiếng Pháp “tự do, bình đẳng, đoàn kết”.

Giải thích lý do tham gia cuộc tuần này, các thanh niên thể hiện lo ngại về xu hướng Frexit sau khi Anh khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu Brexit: “Khi là một khối thống nhất chúng ta sẽ mạnh mẽ. Chúng ta cần đoàn kết và không có sự chia rẽ. Bởi vì khi đó mọi thứ sẽ bị phá hủy”; “Brexit đã là một thảm kịch. Và tôi cho rằng phần lớn người dân Anh đã cảm thấy hối tiếc”; “Pháp cần phải là một phần của Liên minh châu Âu. Bởi vì Pháp đã ở đó từ khi Liên minh châu Âu được thành lập và bắt đầu hoạt động. Nước Pháp, người dân Pháp là bạn hữu của chúng tôi”.              

Cuộc tuần hành “Nhịp điệu châu Âu” diễn ra khoảng 1 tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vòng 2 vào ngày 7-5 tới.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.