GAVI tài trợ 500 triệu USD cho vắc xin phòng đậu mùa khỉ
Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) cho biết, liên minh này sẽ dành 500 triệu USD để chi cho việc tiêm chủng nhằm hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ chủng mới ở châu Phi.
Theo Giám đốc điều hành GAVI, bà Sania Nishtar, tiền mua vắc xin đã sẵn sàng, nhưng vẫn còn những trở ngại cần giải quyết, bao gồm các yêu cầu chính thức về cung cấp vắc xin từ các quốc gia bị ảnh hưởng, cũng như sự chấp thuận việc sử dụng loại vắc xin nào từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Cơ quan y tế toàn cầu kỳ vọng việc đánh giá vắc xin đậu mùa khỉ sẽ hoàn thành vào tháng 9 tới.
Trước đó, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này, sau khi dịch bệnh đậu mùa khỉ lây lan từ Cộng hòa dân chủ Congo sang các quốc gia lân cận.
Đã có 27 nghìn ca nhiễm và hơn 1.100 ca tử vong, chủ yếu ở trẻ em ở Congo kể từ khi đợt bùng phát hiện nay bắt đầu vào tháng 1/2023.
Các bác sĩ kiểm tra sự tiến triển của các tổn thương da của bệnh nhi mắc đậu mùa khỉ tại trung tâm điều trị ở Munigi, bắc Kivu, Cộng hòa dân chủ Congo, ngày 19/7/2024. Ảnh: REUTERS |
Đến ngày 15/9, WHO xác nhận 1 trường hợp nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở Thụy Điển có liên quan đến đợt bùng phát dịch bệnh này ở châu Phi.
Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển cho biết, đây cũng là trường hợp đầu tiên được xác nhận mắc biến thể mới của virus đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi. Bệnh nhân này đã nhiễm bệnh trong chuyến thăm khu vực ở châu Phi nơi dịch đang lan rộng.
Chủng virus dẫn tới đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay được cho là lây lan qua tiếp xúc gần và gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với chủng đã gây ra dịch bệnh đậu mùa khỉ hồi năm 2022.
Vào năm 2022, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ do chủng virus cũ gây ra, với hơn 95 nghìn trường hợp mắc bệnh tại 115 quốc gia và vùng lãnh thổ không lưu hành bệnh, trong đó Thụy Điển báo cáo khoảng 300 trường hợp lây nhiễm.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, GAVI đã quyết định tài trợ 500 triệu USD cho vắc xin phòng đậu mùa khỉ để cung cấp cho các quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng.
Số tiền này lấy từ nguồn quỹ Phản ứng khẩn cấp của GAVI, được sử dụng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp về sức khỏe, vốn còn dư từ nguồn tài trợ của các chính phủ và đối tác y tế toàn cầu quyên góp cho hoạt động ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trước đây.
Bà Nishtar cho biết, GAVI cũng đã sớm đàm phán với các nhà sản xuất 2 loại vắc xin đậu mùa khỉ được sử dụng rộng rãi, gồm Bavarian Nordic và KM Biologics. Theo bà, các đơn đặt hàng chính thức chỉ có thể được tiến hành sau khi vắc xin được WHO phê duyệt.
Bavarian Nordic cho biết, hãng có thể sản xuất 10 triệu liều đến cuối năm 2025, trong khi KM Biologics cũng khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với WHO.
Ngoài ra, GAVI cũng đang phối hợp với các quốc gia như Mỹ, vốn đã có sẵn 50 nghìn liều vắc xin để quyên góp. Bavarian Nordic cũng đã quyên góp 15 nghìn liều.
Dù chưa xác định trường hợp mắc mới nào trong đợt bùng phát hiện tại cho đến nay, giới chức y tế Mỹ cho biết đang theo dõi chặt chẽ đợt bùng phát mới. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã ban hành bản cập nhật đi lại cho các y bác sĩ, khách du lịch và đối tác y tế công cộng liên quan sự lây lan của chủng đậu mùa khỉ mới sang các quốc gia chưa báo cáo trường hợp mắc bệnh trong lịch sử.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Cộng hòa Séc và Viện Y tế nhà nước (SZU) ngày 15/8 đã đưa ra khuyến nghị người dân nước này tiêm chủng và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nếu đi đến những khu vực hiện đang có ca lây nhiễm.
Theo Báo Nhân dân
Ý kiến bạn đọc