Chặng đường khó khăn của kinh tế Trung Quốc
Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng thuộc hàng yếu nhất trong nhiều thập niên vào năm 2024, trong bối cảnh giới chức nước này đang lo ngại về khả năng gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ nhất trong nhiều năm nhằm vượt qua những khó khăn từ tình trạng khủng hoảng nợ kéo dài trên thị trường bất động sản và chi tiêu tiêu dùng chậm.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 17/1 cho thấy kinh tế nước này đã tăng trưởng 5% trong năm ngoái, cao hơn một chút so với mức dự báo 4,9% trong một cuộc khảo sát của AFP với các nhà phân tích. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức 5,2% ghi nhận năm 2023.
NBS cho biết kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 5% trong bối cảnh đối mặt với "môi trường phức tạp và nghiêm trọng với áp lực bên ngoài ngày càng tăng và nhiều khó khăn nội tại". Giới chức Trung Quốc thừa nhận nền kinh tế vẫn đang đối mặt với "khó khăn và thách thức".
Doanh số bán lẻ, một thước đo quan trọng về tâm lý người tiêu dùng, chỉ tăng 3,5%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 7,2% của năm 2023. Sản lượng công nghiệp tăng 5,8%, cao hơn mức 4,6% của năm trước.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng 5,4% trong quý IV/2024 vượt xa mức dự báo 5% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg và tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch Công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, cho biết các số liệu trên phát đi "những thông điệp trái chiều". Ông cho rằng sự thay đổi chính sách gần đây của Trung Quốc đã "giúp nền kinh tế ổn định trong quý IV, nhưng cần có kích thích chính sách lớn và liên tục để thúc đẩy đà kinh tế và duy trì sự phục hồi".
Bà Zichun Huang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, dự đoán tăng trưởng sẽ "tiếp tục tăng tốc trong những tháng tới". Bà cho rằng các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản của chính phủ dường như đang mang lại một số tác động tích cực, với tốc độ giảm giá nhà chậm lại và doanh số bán nhà mới có dấu hiệu phục hồi.
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 là mức thấp nhất được Trung Quốc ghi nhận kể từ năm 1990, không tính những năm đầy biến động tài chính của đại dịch COVID-19. Các nhà phân tích được AFP khảo sát dự đoán mức tăng trưởng này có thể giảm xuống chỉ còn 4,4% vào năm 2025 và thậm chí xuống dưới 4% vào năm 2026.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đạt được sự phục hồi đáng kể sau đại dịch, khi chi tiêu trong nước vẫn trì trệ và vấn đề nợ của các chính quyền địa phương đã kéo lùi tăng trưởng chung.
Bên cạnh đó, số liệu mới đây cho thấy, Trung Quốc đã tránh được nguy cơ giảm phát trong tháng 12/2024, với mức tăng giá chậm nhất trong chín tháng. Giảm phát có thể gây ra mối đe dọa đối với nền kinh tế nói chung vì người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua sắm trong những điều kiện như vậy, với hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa.
Một điểm sáng hiếm hoi là số liệu chính thức được công bố đầu tuần này cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái.
Tuy nhiên, những rủi ro đối với triển vọng thương mại của Trung Quốc trong thời gian tới đồng nghĩa với việc nước này có khả năng sẽ không thể dựa vào xuất khẩu để thúc đẩy một nền kinh tế vốn đã ảm đạm. Ông Donald Trump đã cam kết sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ thứ hai bắt đầu vào tuần tới.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các biện pháp để củng cố nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất chủ chốt, giải quyết vấn đề nợ của các chính quyền địa phương và mở rộng các chương trình trợ cấp cho hàng hóa gia dụng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC- ngân hàng trung ương) trong những tuần gần đây đã báo hiệu sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Đây là một phần trong sự thay đổi chính sách tiền tệ theo lập trường "nới lỏng vừa phải".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng trong nước giữa lúc triển vọng xuất khẩu trở nên bất ổn hơn.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc