Multimedia Đọc Báo in

Đề xuất thiết lập các cơ chế đối thoại AIPA-ASEAN, AIPA-EP

17:52, 25/08/2021

Sáng 25-8, tiếp tục Chương trình nghị sự Đại hội Liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42) qua hình thức trực tuyến, Ủy ban Tổ chức đã họp, thảo luận về các dự thảo nghị quyết đệ trình ra Phiên họp toàn thể thứ 2 Đại hội đồng AIPA-42 xem xét thông qua.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân tham dự Phiên họp.

Đoàn Việt Nam do bà Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, dẫn đầu dự họp.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã xem xét nội dung: Báo cáo tài chính năm 2020-2021, dự toán ngân sách 2021 - 2022; Nghị quyết cho phép sử dụng Quỹ đặc biệt AIPA chi trả chi phí hoạt động tại trụ sở mới của Ban Thư ký AIPA và tăng lương cho cán bộ Ban Thư ký AIPA; Báo cáo thường niên Ban Thư ký 2020-2021; Công nhận các quan sát viên mới của AIPA; Sửa đổi Quy chế AIPA và Hướng dẫn quy trình thủ tục đăng cai tổ chức Đại hội đồng AIPA.

Phiên họp của Ủy ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA-42 diễn ra dưới hình thức trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Phiên họp của Ủy ban Tổ chức Đại hội đồng AIPA-42 diễn ra dưới hình thức trực tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, các đại biểu cũng xem xét các nội dung: Hướng dẫn và Quy trình đối thoại AIPA-ASEAN; Quy định và thủ tục Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA; Thiết lập Đối thoại AIPA-Nghị viện châu Âu (EP); Vinh danh trao giải cống hiến xuất sắc AIPA; Nghị quyết về ghi nhận những đóng góp của ngài Pehin Dato Awang Haji Abdul Rahman Taib với tư cách là Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ từ tháng 9-2020 đến khi kết thúc Đại hội đồng AIPA 42; Đề xuất thời gian và địa điểm tổ chức AIPA 43.

Nhất trí về việc thiết lập cơ chế đối thoại AIPA-ASEAN, các đại biểu dự Phiên họp nhấn mạnh, một trong những lý do quan trọng nhất AIPA được hình thành và phát triển là nhằm tạo điều kiện cho việc đạt được các mục tiêu của ASEAN và tăng cường sự đóng góp của Nghị viện cho hội nhập ASEAN, để người dân ASEAN hiểu về các chính sách trong việc thúc đẩy hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN, theo quy định tại Khoản 2 và 3, Điều 3 của Quy chế AIPA.

Bên cạnh đó, AIPA đóng vai trò quan trọng như là một đối tác chiến lược trong việc triển khai Kế hoạch Hội nhập ASEAN.

Tuy nhiên, các cơ chế đối thoại hiện có giữa lãnh đạo AIPA và ASEAN còn mang tính hình thức và hạn chế. Do đó, các đại biểu cho rằng AIPA cần thể chế hóa một cơ chế đối thoại có ý nghĩa và thực chất giữa AIPA và ASEAN, được tiến hành tại mỗi kỳ Đại hội đồng, hoặc theo phương thức phù hợp để thảo luận về Kế hoạch Hội nhập ASEAN.

Về thiết lập Đối thoại AIPA-Nghị viện châu Âu (EP), các đại biểu cho rằng EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của ASEAN. Còn ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.

Ngoài quan hệ kinh tế và thương mại, EU và ASEAN đặt mục tiêu nâng lên quan hệ Đối tác chiến lược nhằm thúc đẩy các lợi ích dựa trên các giá trị chung. EP là quan sát viên của AIPA từ năm 1980.

Hằng năm, phái đoàn EP về quan hệ với các nước Đông Nam Á và ASEAN (DASE) thường xuyên tham dự Đại hội đồng AIPA và đối thoại với các nước thành viên AIPA bên lề Đại hội đồng.

Hai bên đã nhất trí tổ chức một phiên họp liên khu vực và phiên họp đã được tổ chức thành công qua hình thức trực tuyến vào ngày 22-6-2021.

Trên cơ sở thành công của phiên đối thoại đầu tiên cũng như mong muốn tiếp tục tăng cường đối thoại giữa hai bên, các đại biểu nhất trí với đề xuất của Ban Thư ký AIPA về thành lập Đối thoại thường niên liên khu vực ngoài khuôn khổ Đại hội đồng AIPA.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà phát biểu tại Phiên họp Ủy ban Tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lê Thu Hà phát biểu tại Phiên họp Ủy ban Tổ chức. (Ảnh: TTXVN)

Về dự thảo nghị quyết liên quan đến Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA, các đại biểu đánh giá cao việc tổ chức hội nghị không chính thức tại Đại hội đồng AIPA-41 ở Việt Nam năm 2020 và thông qua “Nghị quyết về sự tham gia của Nghị sỹ trẻ AIPA trong xây dựng cộng đồng ASEAN,” góp phần thúc đẩy sự tham gia của các nghị sĩ trẻ trong tiến trình xây dựng Cộng đồng.

Các đại biểu dự Phiên họp Ủy ban Tổ chức thống nhất lập nhóm làm việc để xem xét kỹ lưỡng về quy trình, thủ tục và các vấn đề kỹ thuật khác cho việc tổ chức hội nghị.

Ủy ban Tổ chức nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết về việc Đại hội đồng AIPA-43 sẽ được tổ chức tại Campuchia vào tháng 9-2022.

Tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo nghị quyết, Đoàn Việt Nam cơ bản nhất trí với các dự thảo nghị quyết.

Đoàn Việt Nam chia sẻ những khó khăn do đại dịch COVID-19 đối với hoạt động của Ban Thư ký AIPA đồng thời đánh giá cao nỗ lực và hiệu quả của Ban Thư ký AIPA, đảm bảo hoạt động chung của AIPA trong thời gian qua và nhất trí các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thư ký.

Việt Nam ủng hộ sự mở rộng quan hệ đối tác giữa AIPA và các nghị viện, tổ chức nghị viện khác trên thế giới, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, củng cố vai trò của AIPA, đáp ứng các tiêu chí kết nạp quan sát viên mà AIPA đã thông qua trước đó.

Việc kết nạp quan sát viên mới của AIPA cần được cân nhắc thêm, tính đến hiệu quả thiết thực, ưu tiên những đối tác đang có hợp tác tích cực với ASEAN và AIPA.

Việt Nam nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác giữa ASEAN và AIPA. Tuy nhiên, cần thay đổi tên gọi của cơ chế này, không gọi là “Đối thoại” ASEAN và AIPA vì Ban Thư ký ASEAN không đủ thẩm quyền đại diện cho ASEAN để đối thoại với các nghị sỹ AIPA.

Vì vậy, cần nghiên cứu và tham vấn thêm để tìm ra cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp giữa AIPA và ASEAN, tham khảo kinh nghiệm của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) tổ chức phiên họp điều trần IPU - Liên Hợp quốc hằng năm, là cơ hội để các nghị sỹ thảo luận và nghe báo cáo cập nhật của đại diện Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Có thể gọi cơ chế này là họp điều trần AIPA-ASEAN.

Liên quan đến thiết lập Đối thoại AIPA-EP, Việt Nam cho rằng đây là cơ hội để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa AIPA và nghị viện Quan sát viên.

AIPA cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của các nghị viện quan sát viên AIPA nhằm đạt được những kết quả hợp tác cụ thể và thiết thực hơn.

Các cơ chế đối thoại riêng, ngoài khuôn khổ Đại hội đồng cũng là một hình thức đưa quan hệ hợp tác giữa AIPA và EP vào chiều sâu thực chất, song hành với sự phát triển của quan hệ đối tác ASEAN-Liên minh châu Âu (EU).

Về Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA, đoàn Việt Nam nhấn mạnh việc thiết lập khuôn khổ hoạt động của Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA tạo điều kiện để các nghị sỹ trẻ tham gia tích cực hơn vào các nội dung của AIPA, cũng như đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.

Về vinh danh trao giải cống hiến xuất sắc AIPA, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến quý giá của các vị đại biểu Quốc hội, nghị sỹ các nước đã có nhiều đóng góp lớn lao cho sự phát triển của AIPA, những đóng góp mang tính chất đối thoại và xây dựng, vì sự hợp tác, thống nhất, vì tương lai của AIPA và ASEAN.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.