Multimedia Đọc Báo in

Những dấu ấn đậm nét của Việt Nam trong ASEAN

14:15, 07/10/2021

Dù với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 hay là thành viên, Việt Nam luôn tích cực, trách nhiệm và chủ động trong Hiệp hội.

Đóng góp toàn diện

Trong một phát biểu trước báo chí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của Việt Nam. Dấu ấn của Việt Nam ghi đậm nét trong quá trình phát triển hơn 50 năm của ASEAN.

Điểm lại, hơn 26 năm qua kể từ khi gia nhập ASEAN (28-7-1995), Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho Hiệp hội.

Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Baoquocte.vn)

Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ ba, diện tích đứng thứ tư ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức, chấm dứt những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Dấu ấn của Việt Nam ghi đậm nét trong quá trình phát triển hơn 50 năm của ASEAN.

 

Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…

Thứ ba, Việt Nam có đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN. Việt Nam tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội và kinh tế cũng như chủ trì tổ chức sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ sáu tại Hà Nội (12-1998), hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Thứ tư, Việt Nam đóng góp vào việc hình thành, củng cố, phát triển các thể chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt như quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada...

ASEAN 2020 - Đỉnh cao thắng lợi

Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong một năm tương đối đặc biệt khi cả thế giới phải chống chọi với “kẻ thù chung” mang tên COVID-19. Thế nhưng, với chủ đề ASEAN 2020 - Gắn kết và Chủ động thích ứng, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, trọn vẹn và thực chất.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 vào tháng 12-2020, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định: “Thành công toàn diện, vang dội của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là một đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, tiếp thêm sinh khí mới để chúng ta tự tin và chủ động tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Thủ tướng Chính phủ, phát biểu tại Hội nghị tổng kết Năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020. (Ảnh: Baoquocte.vn)

Nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh, những sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của khu vực, phương thức tổ chức các hội nghị do Việt Nam khởi xướng đã trở thành gợi ý tốt cho các nước tham khảo, đồng thời hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển được quảng bá rộng rãi, mãi mãi đọng lại trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, khi đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao đã lý giải vì sao Việt Nam lại có được những thành công lớn lao trong một năm Chủ tịch ASEAN đầy thách thức.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh: Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh và sự khôn khéo trong dung hòa những quan điểm, lợi ích khác nhau, nhất là giữa các nước lớn, qua đó bảo đảm các hội nghị diễn ra suôn sẻ, thành công.

Theo đó, Việt Nam đã xác định đúng và trúng chủ đề, định hướng, ưu tiên và các sáng kiến, nhiệm vụ cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020, tạo tiền đề vững chắc cho các bước triển khai tiếp theo.

Bên cạnh đó, Việt Nam rất linh hoạt, chủ động thích ứng với “tình trạng bình thường mới”, chuyển đổi phương thức tổ chức hội nghị, hoạt động của ASEAN từ trực tiếp sang trực tuyến, tổ chức ký trực tuyến nhiều văn kiện quan trọng, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Việt Nam cũng thể hiện bản lĩnh và sự khôn khéo trong dung hòa những quan điểm, lợi ích khác nhau, nhất là giữa các nước lớn, qua đó bảo đảm các hội nghị diễn ra suôn sẻ, thành công.

Vai trò kép của Việt Nam khi vừa là Chủ tịch ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã được phát huy tốt, với việc gắn kết, lồng ghép các ưu tiên, đề xuất sáng kiến, trong đó có đề cao bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ.

Chia sẻ tại một tọa đàm quốc tế được tổ chức vào tháng 12-2020, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” là bài học của quá khứ hơn 50 năm tồn tại của ASEAN, bài học của năm 2020 và cũng sẽ là bài học đồng hành cùng ASEAN trong những năm sắp tới. Năm 2020 đã chứng tỏ ASEAN có sức sống và sức bền vững chắc.

Luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất

Bước sang năm 2021, đặc biệt là khi nhiều nước trong khu vực hứng chịu làn sóng dịch bệnh COVID-19 vô cùng phức tạp, là một thành viên chủ động và có trách nhiệm trong Hiệp hội, Việt Nam một lần nữa nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực cùng các nước hợp tác đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi hậu đại dịch.

Song song với đó, Việt Nam tiếp tục tham gia tích cực và có trách nhiệm vào quá trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025.

Tinh thần đoàn kết và thống nhất trong ASEAN được Việt Nam nhắc đến trong nhiều kỳ hội nghị của Hiệp hội.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 4/10. (Ảnh: Tuấn Anh)
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ngày 4-10. (Ảnh: Baoquocte.vn)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54) hồi tháng 8 và gần đây nhất là AMM ngày 4-10, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh, đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.

Tinh thần ấy đã được thể hiện xuyên suốt hơn nửa thế kỷ qua và được minh chứng rõ nét trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay.

Trong các nỗ lực chung ứng phó dịch bệnh của Hiệp hội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn luôn nhấn mạnh ý nghĩa thiết yếu của vắc xin, đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: Đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.

Thời gian tới, Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp với các nước thúc đẩy sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED).

Đối với các vấn đề nội khối từ đầu năm nay, trong buổi trao đổi với báo chí ngày 7-8, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng cho biết, chính Việt Nam đã đưa ra đề xuất và vận động các nước để đi đến thỏa thuận cử Đặc phái viên về Myanmar, cũng như đạt được đồng thuận để Anh trở thành Đối tác đối thoại của ASEAN.

Tại các hội nghị của ASEAN, liên quan đến vấn đề Biển Đông, Việt Nam đều tái khẳng định tầm quan trọng của thúc đẩy lòng tin và tin cậy, thực hiện kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục phối hợp chặt với Trung Quốc bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tư duy về không gian và các trọng điểm chiến lược của đất nước được thể hiện rất rõ, đó là các nước láng giềng, khu vực tiểu vùng Mekong, ASEAN, châu Á-Thái Bình Dương, các nước lớn và các đối tác quan trọng.

Theo Baoquocte.vn
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.