Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội nghị Tư lệnh Lục quân ASEAN

18:55, 12/11/2021

Sáng 12-11, Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN lần thứ 22 (ACAMM-22) được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự chủ trì của Phó Thống tướng Soe Win, Phó Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar kiêm Tư lệnh Lục quân.

Đoàn Việt Nam dự Hội nghị do Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Trưởng đoàn. Cùng dự có Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN.

Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dự tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dự tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc, Phó Thống tướng Soe Win nhấn mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ACAMM-22 buộc phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ông Soe Win bày tỏ vinh dự được chủ trì ACAMM-22 và nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến.

Khẳng định chủ đề "Vai trò của Quân đội các nước ASEAN trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19" của ACAMM-22 rất có ý nghĩa trong bối cảnh khu vực phải ứng phó với đại dịch trong suốt hai năm qua, theo Phó Thống tướng Soe Win, đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của toàn thế giới.

Cả thế giới, trong đó có các nước ASEAN đã và đang tiến hành nhiều biện pháp ứng phó với tác động của đại dịch.

Phó Thống tướng Soe Win bày tỏ hy vọng tại ACAMM-22, lực lượng Lục quân các nước ASEAN sẽ cùng chia sẻ những kinh nghiệm của mình trong nỗ lực ứng phó với đại dịch cũng như quá trình phục hồi sau đại dịch.

Tại hội nghị, Trưởng đoàn các nước tham gia ACAMM đã trao đổi quan điểm theo chủ đề của Hội nghị do Myanmar đề xuất: "Vai trò của quân đội các nước ASEAN trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19."

Đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác quân sự-quốc phòng ASEAN khi các thách thức khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp dưới tác động của đại dịch COVID-19, về vai trò của lực lượng Lục quân trong ứng phó đại dịch COVID-19, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định Lục quân là lực lượng nòng cốt đi đầu trong nỗ lực chung của các quốc gia trong công tác phòng, chống dịch; nhất là dưới tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ 4.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ kết quả và kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề thời gian qua, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa cũng nhấn mạnh phương châm thích ứng với tình hình mới tại Việt Nam trong thời gian tới, cùng lúc thực hiện hai mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với nhận thức chung của các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39.

Đồng thời, Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa bày tỏ tin tưởng hợp tác quân sự-quốc phòng ASEAN sẽ góp phần kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh và ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, qua đó duy trì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực.

Kết thúc Hội nghị, tại Lễ bàn giao chức Chủ tịch ACAMM lần thứ 23, Phó Thống tướng Soe Win đã bàn giao chức Chủ tịch ACAMM và các hoạt động liên quan như AARM (Giải Bắn súng quân dụng Lục quân các nước ASEAN), ASMAM (Hội nghị thường niên Hạ sỹ quan Lục quân các nước ASEAN) năm 2022 cho Việt Nam.

Tùy viên Quốc phòng Việt Nam tại Myanmar đại diện cho Bộ Quốc phòng tiếp nhận các biểu trưng Hội nghị từ phía Myanmar. Trong bài phát biểu nhận bàn giao, Trưởng đoàn Việt Nam tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của hợp tác quân sự-quốc phòng ASEAN nói chung và hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị ACAMM nói riêng; đồng thời kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam làm tốt vai trò Chủ tịch ACAMM/AARM/ASMAM trong năm 2022.

Trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa cũng bày tỏ mong muốn, trên cơ sở diễn biến của tình hình thực tế, Việt Nam sẽ được chào đón các nước thành viên ASEAN sang tham dự các hoạt động trong khuôn khổ ACAMM năm 2022.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.