Multimedia Đọc Báo in

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Viêng Chăn bắt đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45

15:52, 08/10/2024

Khoảng 10 giờ 35 phút, chuyên cơ chở Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 cùng các Hội nghị Cấp cao liên quan theo lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Sonexay Siphandone đã hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Wattay, thủ đô Viêng Chăn.

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Wattay về phía Lào có Bộ trưởng Năng lượng và mỏ Phosay Sayyasone, Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Bộ Ngoại giao Kaimany Orlaboune; Phó Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao Outama Sitthiphong.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Viêng Chăn (Lào), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45. Ảnh: Dương Giang-TTXVN
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Viêng Chăn (Lào), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Luang Prabang Kiều Thị Phúc Hằng, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse Nguyễn Văn Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Savanakhet Đặng Thị Hoài Tâm và đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, kiều bào ta tại Lào.

Từ ngày 8 đến 11/10, tại Thủ đô Viêng Chăn diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45, các Hội nghị Cấp cao liên quan với hơn 20 hoạt động. Đây là chuỗi hoạt động cấp cao quan trọng nhất của ASEAN trong năm, với sự tham dự của Lãnh đạo các nước ASEAN, Timor-Leste và 10 đối tác của ASEAN, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Viêng Chăn (Lào), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45.
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Viêng Chăn (Lào), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45.

Với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy Kết nối và Tự cường”, trao đổi của các Lãnh đạo sẽ tập trung vào những vấn đề chiến lược, sát sườn với ASEAN và khu vực, thúc đẩy đối thoại, hợp tác sâu rộng, gắn kết chặt chẽ, cùng nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến ngày càng phức tạp. Sự nổi lên gay gắt của nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác là bài toán mà tất cả các nước cần chung tay tìm lời giải hữu hiệu. Các Hội nghị Cấp cao lần này là các hoạt động cấp cao duy nhất trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào. Đây là dịp để các nhà Lãnh đạo ASEAN và đối tác thảo luận, đưa ra quyết sách cho nhiều vấn đề chiến lược đang đặt ra cho ASEAN và khu vực.

Với tâm thế sẵn sàng đóng góp và nỗ lực hết mình cho thành công chung, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham dự các Hội nghị lần này, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng về ASEAN và tương lai của ASEAN.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa rất quan trọng; tiếp tục khẳng định Việt Nam chủ động, tích cực tham gia, đóng góp có trách nhiệm và hiệu quả, cùng các nước thành viên ASEAN củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm, tiếng nói của Hiệp hội đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Viêng Chăn (Lào), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45.
Lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thủ đô Viêng Chăn (Lào), bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 cùng các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục biến động nhanh chóng, khó lường; cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, phân mảnh địa kinh tế gia tăng. Kinh tế thế giới duy trì xu hướng phục hồi nhẹ, song các yếu tố rủi ro vẫn thường trực do xung đột và bất ổn bùng phát và kéo dài ở nhiều nơi. Các thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp hơn, đặc biệt là biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên. Các xu thế lớn tiếp tục mang lại động lực tăng trưởng mới, song cũng đặt ra yêu cầu ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đi kèm như an ninh mạng, quản trị công nghệ, trí tuệ nhân tạo…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, ASEAN giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức đang nổi lên, củng cố lập trường nguyên tắc trong các vấn đề quốc tế, khu vực. ASEAN tiếp tục là điểm sáng về kinh tế với dự báo tăng trưởng năm 2024 là 4,6% và năm 2025 là 4,8%, vượt xa mức trung bình của thế giới. Tăng cường kết nối và liên kết giữa các nền kinh tế, ASEAN quyết tâm đẩy nhanh đàm phán các Hiệp định cả nội khối và giữa ASEAN với các đối tác như nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, đàm phán Hiệp định khung ASEAN về cạnh tranh, thúc đẩy hoàn tất cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Trung Quốc, hoàn thành thủ tục phê duyệt Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand.

Nhiều khuôn khổ hợp tác được thúc đẩy, thể hiện sự chủ động của ASEAN trong việc nắm bắt và tận dụng các động lực tăng trưởng mới như đàm phán Hiệp định Kinh tế số ASEAN, Thỏa thuận khung về Lưới điện ASEAN, Kế hoạch hành động ASEAN về nông nghiệp bền vững, Lộ trình về tiêu chuẩn thương mại số ASEAN… Hợp tác giữa ASEAN với các đối tác trong các lĩnh vực này cũng được đẩy mạnh, góp phần đưa quan hệ, kết nối kinh tế, thương mại, đầu tư ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực…

Gần 3 thập kỷ tham gia ASEAN, Việt Nam khẳng định là thành viên trách nhiệm với vai trò và tiếng nói ngày càng được coi trọng. Bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, ta tiếp tục tham gia ASEAN trên tinh thần sẵn sàng đóng góp nhiều hơn và chủ động hơn cho công việc chung. Chúng ta phối hợp chặt chẽ, ủng hộ và hỗ trợ Chủ tịch Lào đảm nhiệm thành công trọng trách, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thời gian qua có thể gói gọn trong các từ sau: chủ động thực thi, tham gia thực chất và đóng góp thực tâm.

Theo Báo Nhân dân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.