Có những đoàn quân xung kích ra trận…
“Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc…”.
Những ngày TP. Buôn Ma Thuột triển khai thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, khi lật giở tập Nhật ký Đặng Thùy Trâm, bắt gặp đoạn trích này tôi đã không khỏi bồi hồi, xúc động.
Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình trí thức. Tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, chị xung phong vào công tác ở chiến trường và được phân công về phụ trách Bệnh viện huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) - một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.
Năm 1970, trong một chuyến công tác, chị bị địch phục kích và hy sinh khi chưa đầy 28 tuổi. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những con người ở thế hệ chị đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn. Họ đã hiến dâng tuổi xuân, “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình với tâm niệm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Đọc từng trang của tập Nhật ký Đặng Thùy Trâm, tôi lại nghĩ về những ngày tháng này, nghĩ đến đội ngũ y bác sĩ và những người xung phong thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch hôm nay. Dù không hiểm nguy, gian khổ bằng thời chiến, và vẫn biết sự so sánh nào cũng là khập khiễng, nhưng trong “cuộc chiến không tiếng súng”, tinh thần xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng ấy luôn hiện lên rõ nét.
Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột hỗ trợ y tế tuyến cơ sở của TP. Buôn Ma Thuột lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hoàng Sơn |
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, đã có biết bao “chiến sĩ áo trắng” thầm lặng, không quản gian khó hy sinh, không lo nghĩ đến việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh. Không khó để bắt gặp những hình ảnh tất bật của đội ngũ y bác sĩ thực hiện xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh, chẩn đoán, chữa trị… Rồi ăn vội hộp cơm, uống vội ngụm nước, không quản giờ giấc, ngày đêm - mỗi người phát huy trên 100% nguồn năng lượng của bản thân, nỗ lực hết mình để thực hiện trọng trách được giao. Những vệt hằn đỏ do đeo khẩu trang, những bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những mệt mỏi giữa áp lực công việc đòi hỏi phải nhanh, chuẩn xác khiến không ít người lả đi… là hình ảnh làm lay động hàng triệu trái tim.
Để kịp thời tiếp sức, “chia lửa” với đồng nghiệp tại các điểm nóng của dịch bệnh, hàng trăm tình nguyện viên là bác sĩ, nhân viên y tế, sinh viên các trường đại học y dược từ nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai, Thừa Thiên - Huế… đã lên đường vào tâm dịch. Trong “cuộc chiến không tiếng súng” này, tạm gác lại cuộc sống thường nhật, họ phải xa gia đình, người thân yêu để chiến đấu “chống giặc” COVID-19. Dù biết rằng có thể sẽ nguy hiểm, sẽ vất vả nhưng tất cả đều sẵn sàng hăng hái lên đường vào những “chảo lửa”.
Trong những đoàn quân xung kích ra trận ấy, nhiều sinh viên ngành y đang theo học tại một số trường đại học trên địa bàn Đắk Lắk cũng đã xung phong lên đường, cùng chung tâm thế sẵn sàng hướng về vùng tâm dịch, hỗ trợ ngành y tế các tỉnh, thành bạn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hành trang mang theo bên mình, ngoài những vật dụng cá nhân tối giản, vốn kiến thức y khoa được tích lũy trong những năm tháng trên giảng đường… còn là sự yêu thương lớn lao mà những người ở lại đặt trao. Chưa hẹn rõ ngày về, chỉ nguyện mong sớm có ngày bình an trở lại; không nước mắt, không nghẹn ngào, không nhiều lời dặn dò, chỉ có niềm tin yêu, nhắn nhủ phải giữ gìn sức khỏe… những cuộc tiễn đưa lên đường làm nhiệm vụ - dù vội vã, cấp tập vẫn trao truyền sự vững tâm và hy vọng.
Những tháng qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam bước vào một cuộc chiến chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Đời sống người dân bị xáo trộn theo cách của “thời chiến kiểu mới”. Sẽ có những khó khăn, gian khó, bộn bề với từng cá nhân, từng gia đình, tập thể, đơn vị, doanh nghiệp – thì cũng sẽ có càng nhiều “đoàn quân áo blouse” xung kích ra trận và sát vai là những cá nhân, tổ chức đoàn thể và toàn xã hội cùng tích cực đóng góp, hỗ trợ, chung tay gánh vác. Và với sự xung kích của mỗi người con đất Việt theo những cách khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh mới, phương cách mới của một cuộc “chiến tranh nhân dân” kiểu mới, càng tạo thêm niềm tin quyết thắng, sẽ đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 trong tương lai không xa.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc