Multimedia Đọc Báo in

Thơm thảo nghĩa tình “bầu bí thương nhau”

08:08, 05/08/2021

Đại dịch COVID-19 đã gây nên những hậu quả tàn khốc ngoài sức tưởng tượng. Không chỉ đe dọa đến sức khỏe và tính mạng con người, “cơn bão” dịch bệnh còn cướp đi những thành quả được tạo dựng bằng công sức lao động, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh khốn cùng.

Trước sự tấn công khốc liệt của đại dịch, nhiều dòng người từ các tỉnh thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... đã phải rời bỏ nơi mình đang mưu sinh để về quê nhà lánh nạn. Đây là một sự trở về đầy gian nan và bất đắc dĩ khi mọi thứ đã vượt quá sức chịu đựng của con người!

Trong hàng vạn người ồ ạt đổ về các tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên phần lớn đều là lao động nghèo phải xa quê kiếm sống. Đại dịch ập đến, họ là những người đầu tiên phải gánh chịu vô vàn khốn khó giữa “cuồng phong” dịch bệnh. Khi “chiếc cần câu cơm” là việc làm không có và trở thành thất nghiệp, họ bị “đứt bữa” và “gãy gánh” mưu sinh nơi đất khách quê người. Những thân phận đáng thương ấy chỉ còn một sự lựa chọn duy nhất là buộc phải rời khỏi tâm dịch, trở về nơi chôn nhau cắt rốn với hy vọng tìm chỗ nương tựa, cầm cự qua ngày.

Qua báo chí và mạng xã hội, chúng ta đã chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện xót xa về cuộc hồi hương đầy bất trắc và khổ ải của những phận người lam lũ, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Họ đã rong ruổi trên những chiếc xe máy cũ kỹ dưới nắng gió ban ngày và mưa đêm lạnh lẽo đến kiệt sức, lả người khi phải vượt chặng đường dài cả ngàn cây số. Có người từ vùng dịch về quê bằng xe đạp, thậm chí cả đi bộ dẫu biết phía trước là thăm thẳm đường xa vạn dặm... Thật đớn đau khi đã có những người không may tử nạn trên đường và mãi mãi không về được đến nhà!

Cán bộ Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột và các nhà hảo tâm tặng bánh, nước uống cho công dân từ vùng dịch trở về, đi qua địa bàn Đắk Lắk. Ảnh: Kim Oanh

Trên hành trình về quê “tránh dịch”, các đoàn người hồi hương đã đón nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của các đoàn thể, tổ chức từ thiện và các nhà hảo tâm. Thương cảm với nỗi cơ cực của đồng bào mình đang đói khát, kiệt sức trên nẻo đường về xa ngái, nhiều người đã tiếp tế thức ăn, đồ uống, áo mưa và cả đổ xăng miễn phí để giúp họ vững tin tiếp tục hành trình. Nhiều người trở về từ vùng dịch còn được các mạnh thường quân có tấm lòng nhân ái tặng tiền hỗ trợ để làm lộ phí đường xa; đặc biệt trong số đó có những người đi bộ về quê còn được tặng cả xe máy làm phương tiện để sớm được về tới nhà...

Đón nhận những ân tình, nghĩa cử ấy, nhiều người hồi hương đã xúc động nghẹn ngào đến trào rơi nước mắt! Sự đùm bọc, cưu mang đó không phải là bộc phát, nhất thời, mà nó là minh chứng sống động về truyền thống “tương thân tương ái’, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam được khởi nguồn từ thuở hồng hoang và đã được tiếp nối, trao truyền suốt ngàn đời nay. Mỗi con dân nước Việt đều luôn khắc nhớ câu ca “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Đạo lý nhân văn ấy đã thấm sâu vào tâm hồn mỗi người dân trên xứ sở này như dòng sữa mẹ và được gìn giữ vẹn nguyên dù phải trải qua bao thăng trầm thời cuộc.

Đây có lẽ là những tháng ngày có một không hai trong lịch sử mà chắc chẳng ai muốn lặp lại. Giữa muôn trùng mất mát, thương đau do đại dịch COVID-19, một lần nữa lại ngời sáng vẻ đẹp của ân nghĩa đồng bào và nghĩa tình đạo lý “bầu bí thương nhau” mà người dân trên dải đất hình chữ S này dành cho nhau trong gian nguy, hoạn nạn. Truyền thống nhân văn cao đẹp ấy luôn mãi trường tồn trong dòng máu Việt vì dù ở nơi đâu thì cũng đều cùng chung nòi giống Lạc Hồng!.

Quang Ánh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.