Đăng cai SEA Games 31: Cơ hội và thách thức
Hội nghị trực tuyến Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) kết thúc chiều 18-10 nhận được sự ủng hộ của đại diện các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về kế hoạch tổ chức SEA Games 31 tại Việt Nam vào tháng 5-2022. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho chúng ta.
Việc Việt Nam được “chọn mặt gửi vàng” đăng cai tổ chức SEA Games 31 là tin rất vui. 18 năm trước, Việt Nam đã từng tổ chức thành công SEA Games 22 năm 2003. Lần đầu tiên được đăng cai ngày hội thể thao lớn nhất khu vực, Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao lớn là điều không quá lo ngại. Ngoài SEA Games 2003, chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội Thể thao trong nhà châu Á 2009 (Asian Indoor Games 2009); Đại hội Thể thao bãi biển châu Á 2016 (2016 Asian Beach Games). Do vậy “vốn liếng” để vận hành SEA Games 31 cũng đủ đầy.
Nhưng SEA Games 31 lần này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn căng thẳng đặt ra không ít thách thức, thậm chí nặng gánh lo toan. Chúng ta chỉ còn 7 tháng để chuẩn bị cho sứ mệnh: “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Trong khi đó, SEA Games 31 với chương trình thi đấu gồm 40 môn thể thao, dự kiến thu hút khoảng 10.000 quan chức, trọng tài và thành viên các đoàn thể thao của 11 quốc gia Đông Nam Á tham dự.
Tính cả số lượng người phục vụ cho công tác tổ chức của nước chủ nhà, người hâm mộ và du khách có thể lên 25.000 - 30.000 người trong thời gian SEA Games 31 diễn ra. Con số này chắc chắn gây áp lực rất lớn lên công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiềm ẩn nhiều diễn biến khó lường.
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương lân cận sẽ là nơi tổ chức các môn thi đấu. Để phối hợp đồng bộ, an toàn trong trường hợp dịch bệnh chưa dứt hẳn sẽ không phải là chuyện dễ dàng.
Được đăng cai SEA Games 31 là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam kích cầu kinh tế, du lịch, đầu tư. Ảnh: Hoàng Linh |
Vấn đề đặc biệt quan trọng nữa là kinh phí. Ngân sách để tổ chức sự kiện này vào khoảng 1.600 tỷ đồng. Kinh tế đang khó khăn, chúng ta rất vất vả tìm ra nguồn tài chính, do đó cần phải chi tiêu thế nào hợp lý.
Những công trình được đầu tư nâng cấp, sửa chữa hay làm mới phục vụ thi đấu thì “hậu” SEA Games sẽ thế nào? Bởi đầu tư chỉ để sử dụng một vài lần rồi bỏ không thì lãng phí vô cùng. Trong quá khứ, khi chúng ta đăng cai những sự kiện thể thao, không ít công trình sau đó “đắp chiếu”, xuống cấp cùng thời gian và không khai thác hết công năng.
Tổ chức SEA Games 31 không hẳn là chuyện tranh chấp huy chương, ngôi vị. Quan trọng là hình ảnh của một nền thể thao, một đất nước đọng lại trong mắt bạn bè thế giới. |
Thêm mối bận tâm nữa khi câu hỏi đặt ra là nước chủ nhà sẽ tổ chức bao nhiêu môn, tranh bao nhiêu bộ huy chương? Không ít quốc gia đăng cai đã “tranh thủ” đưa vào những môn “tủ” của mình, loại khỏi môn thi đấu thế mạnh của các đoàn khác khiến SEA Games mãi mang tiếng “ao làng”.
Đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong tốp đầu đoạt nhiều huy chương SEA Games, nhưng bước ra đấu trường lớn như ASIAD, Olympic thì lại thất bại lớn. Thiết nghĩ, chúng ta nên rút số môn lại, không dàn trải, chú trọng những môn thể thao Olympic để đưa vào chương trình thi đấu. Làm được điều đó chắc chắn sẽ được các quốc gia đồng tình, ủng hộ. Bởi thể thao Đông Nam Á nên nghĩ cách vượt giới hạn bằng con đường coi trọng chất lượng huy chương, thay vì số lượng.
Vì vậy, dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, hãy coi đây là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch đang “đóng băng” bởi dịch bệnh, nếu biết tận dụng, khai thác triệt để những cơ hội từ SEA Games 31 sẽ kích hoạt trở lại mạnh mẽ kinh tế, du lịch, đầu tư.
“Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”. Hy vọng chúng ta sớm phục hồi mọi mặt để tổ chức thành công SEA Games 31 đi theo đúng tinh thần của khẩu hiệu chính thức trên, góp phần kích cầu nhiều lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc