Multimedia Đọc Báo in

Trên hành trình ra “biển lớn”

06:37, 25/03/2022

76 năm là một chặng đường dài trong quá phát triển của đất nước và thể thao nói riêng. Thể thao Việt Nam vẫn đang trên hành trình tiến ra “biển lớn”, do đó rất cần thêm nhiều phẩm chất đặc biệt.

Trưởng thành trong bom đạn

Nhắc lại lịch sử, trong suốt 30 năm (1945 - 1975) đất nước chìm trong chiến tranh, chia cắt, thể dục thể thao đóng một vai trò đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngay cả lúc đất nước chiến tranh, ngành thể thao cũng đã đào tạo được nhiều vận động viên xuất sắc tham dự các giải châu lục và thế giới, giành được những thành tích cao, như Huy chương Vàng bơi lội châu Á của vận động viên Vũ Thị Sen; kỷ lục thế giới môn bắn súng của cố xạ thủ Trần Oanh; vô địch Giải điền kinh châu Á Trần Hữu Chỉ… Những thành tích nổi bật này đã góp phần nâng cao vị thế của thể thao nước nhà trên đấu trường quốc tế.

Danh thủ Cao Cường của đội bóng Thể Công lẫy lừng từng kể, năm 1972 ông cùng đội bóng vượt Trường Sơn cả tháng trời mới vào đến Quảng Bình đá bóng phục vụ đồng bào. Mặt sân là triền đồi, bà con mang khoai sắn đến cho cầu thủ ăn. “Đá xong, nhảy xuống hố bom tắm”, nói đến đây, cựu tiền đạo vang bóng một thời rưng rưng nước mắt. Có lẽ ông nhớ đến một thời tuổi xuân bi tráng của mình và đồng đội Thể Công, cùng thế hệ vận động viên lớn lên, trưởng thành trong bom đạn. Thời đó, đã sản sinh ra rất nhiều tài năng, nếu không có chiến tranh hẳn thể thao Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc tại Olympic Rio 2016.

Ngay từ khi hòa bình lập lại, cùng với các sự kiện khu vực, thể thao Việt Nam cũng tích cực tham gia các sự kiện thể thao châu lục và thế giới. Thành tích thể thao cùng với quốc ca Việt Nam nhiều lần vang lên trên đấu trường quốc tế. Chúng ta đã phấn đấu từ hội nhập cho đến phát triển, từ những vị trí nửa cuối vươn lên tốp đầu của khu vực, có nhiều nhà vô địch châu lục và thế giới, Olympic. Những dấu ấn như Huy chương Bạc môn Taekwondo của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney năm 2000; Huy chương Bạc môn Cử tạ Olympic năm 2008 của Hoàng Anh Tuấn và Huy chương Vàng, Huy chương Bạc môn bắn Súng của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio năm 2016 mãi là niềm tự hào của thể thao nước nhà.

Cần tạm biệt chiến lược “đi tắt, đón đầu”

Tuy vậy, với chủ trương “đi tắt đón đầu” để đạt thành tích mang tính số lượng, nền thể dục thể thao nặng tính phong trào cũng đã để lại nhiều “lỗ hổng”: chúng ta chỉ chinh phục được đấu trường SEA Games; liên tiếp nằm trong top 3 Đông Nam Á. Thế nhưng, khi tiến lên cao hơn như ASIAD, Olympic, các vận động viên Việt Nam thường bị choáng ngợp. Trong khi đó, chế độ lương thưởng của vận động viên đỉnh cao rất thấp. Khoa học, kỹ thuật, sự đầu tư tập huấn để giúp vận động viên phát huy hết tiềm năng, vượt giới hạn bản thân ít được chú trọng. 

Công tác thể dục thể thao ở một số địa phương và ngành chưa được quan tâm đúng mức. Phong trào thể thao, thể dục phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và ở các khu công nghiệp. Việc giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên chưa đạt kết quả như mong muốn. Các thiết chế thể thao để người dân vui chơi, hưởng thụ, rèn luyện sức khỏe còn ít. Có thời điểm, thể thao có những khúc nhạc buồn với nạn gian lận tuổi, giải bóng đá vô địch quốc gia thì “nhức nhối” với nạn liên minh, móc ngoặc, nhường điểm, bán độ... Các nguồn lực đầu tư cho thể dục thể thao còn hạn hẹp. Hội khỏe Phù Đổng, đại hội thể dục thể thao các cấp tốn kém nhưng hiệu quả chưa cao.

Chúng ta chưa phát huy được hết các nguồn lực từ công tác xã hội hóa. Trong khi đó, các nước phát triển trên thế giới thực hiện xã hội hóa thể thao thần tốc để hội tụ các nguồn lực xã hội, trong đó quan trọng nhất là kinh phí. Họ tập trung đầu tư các môn thể thao mũi nhọn. Ngay cả Trung Quốc (mô hình thể thao chúng ta học theo) cũng đã bỏ đại hội thể dục thể thao các cấp.

Để làm thể thao, nhất là thể thao thành tích cao thì phải có tài chính. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước chắc chắn không thể đảm bảo. Những năm gần đây, do kinh tế tư nhân phát triển và hội nhập với nền văn hóa thể thao chung của quốc tế, rất nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nguồn kinh phí lớn vào thể thao, cho lĩnh vực sức khỏe thể chất. Đặc biệt trong lĩnh vực bóng đá, xuất hiện nhiều ông bầu đã giúp hệ thống các câu lạc bộ phát triển khá mạnh. Tuy thế, chỉ đầu tư mạnh cho bóng đá thì chưa đủ.

Việc nâng cao năng lực, tổ chức, điều hành các giải đấu lớn cũng cần phải được chú trọng. Chúng ta mới chỉ tổ chức SEA Games một lần (tháng 5 này là lần thứ hai), nhưng muốn đăng cai các sự kiện lớn hơn như ASIAD, Olympic thì còn phải hoàn thiện nhiều mặt. Bởi, phải có một bộ máy quản lý chuyên trách, có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành. Ngành thể dục thể thao phải là đơn vị thường trực, có nhiều thủ lĩnh giỏi chuyên môn, uy tín xã hội để kết nối tốt với các bộ, ngành, địa phương thì mới thành công.

Sau 76 năm phát triển, từ vượt khó, “đi tắt, đón đầu” thể thao Việt Nam cần phải hội nhập sâu sắc hơn, tiến ra “biển lớn” nhằm chinh phục những tấm huy chương danh giá ở các môn thể thao Olympic. Bóng đá đang có dấu hiệu hội nhập thành công. Để chinh phục những “con sóng to” thì thể thao Việt Nam không chỉ cần lòng dũng cảm, tinh thần vượt khó mà phải có chiến lược, tầm nhìn sắc bén, tư duy đổi mới.

42 năm và 1 Huy chương Vàng Olympic

Kể từ khi Việt Nam hội nhập với thể thao quốc tế và trở thành thành viên chính thức của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thì Thế vận hội mùa hè Moscow 1980 là lần đầu tiên chúng ta góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới. Hơn 4 thập kỷ trôi qua, thể thao Việt Nam đã tham dự 9 kỳ Olympic, với 152 vận động viên tham gia tranh tài. Chúng ta mới giành vỏn vẹn 1 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.