Multimedia Đọc Báo in

Hậu trường thể thao thành tích cao: “Cuộc chiến ngầm” khốc liệt

17:33, 24/05/2022

Được triệu tập lên đội tuyển quốc gia là một vinh dự đối với tất cả vận động viên, song điều đó chưa đảm bảo cho vận động viên đó chắc suất có mặt ở đấu trường SEA Games vì họ phải cạnh tranh gay gắt, không chỉ với đồng đội trong đội tuyển mà với những gương mặt xuất sắc khác trong cả nước để khẳng định năng lực, xứng đáng đại diện cho đất nước tham gia tranh tài và có cơ hội đoạt giải, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Câu chuyện về nhà đương kim vô địch SEA Games 30 Phạm Bá Hợi của tuyển kick boxing Đắk Lắk không có tên trong danh sách đội tuyển kick boxing Việt Nam tranh tài ở SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà là minh chứng cụ thể nhất. Tay đấm xuất thân từ huyện Krông Búk đã 8 năm “vô đối” ở hạng cân 54 kg, nội dung Low Kick tại đấu trường trong nước đã chính thức trở thành cựu vương SEA Games.

Nguyên nhân là tại giải Cúp kick boxing toàn quốc 2022, Phạm Bá Hợi thất bại ở nội dung sở trường của mình trước võ sĩ Đinh Văn Hà (Đà Nẵng). Giới chuyên môn cũng như Ban huấn luyện đội tuyển kick boxing Đắk Lắk rất cảm thông, chia sẻ với thất bại của anh, bởi không phải do chủ quan hay tự mãn, không chuyên tâm tập luyện mà bởi hơn 8 năm qua, anh luôn là “đích ngắm”, mục tiêu "hạ bệ' của các võ sĩ cả nước và không sớm thì muộn điều đó cũng sẽ xảy ra. Cho nên, kể từ cuối tháng 9/2020, dù được triệu tập lên đội tuyển, song chính bản thân Phạm Bá Hợi cũng như Ban huấn luyện đã lường trước, sẵn sàng tâm lý đón nhận những bất ngờ có thể xảy ra, bởi hơn ai hết, là người trong cuộc họ hiểu rõ điều đó.

Vận động viên toàn quốc thi đấu tại Giải vô địch bắn súng tổ chức tại Đắk Lắk để cạnh tranh suất lên đội tuyển.

Một tuyển thủ quốc gia đồng cảnh ngộ với Phạm Bá Hợi là Vương Thị Huyền, đội tuyển cử tạ, đương kim vô địch hạng cân 45 kg. Nguyên nhân cũng tương tự, đến từ gánh nặng tuổi tác (năm nay Vương Thị Huyền 30 tuổi), trong khi đó những nhân tố trẻ cùng đội tuyển luôn cạnh tranh gay gắt. Kết quả là cô gái vàng của Bắc Giang đã thi đấu không thành công ở giải vô địch quốc gia 2021 và đánh mất suất dự SEA Games vào tay người đàn em, đồng đội cùng đội tuyển Khổng Mỹ Phượng kém cô 8 tuổi.

Có thể thấy, cuộc cạnh tranh giữa các đồng đội ở những đội tuyển tuy diễn ra một cách ngấm ngầm, song cực kỳ khốc liệt về mặt chuyên môn. Tuyển thủ U23 Phan Tuấn Tài của câu lạc bộ bóng đá Đắk Lắk từng chia sẻ trước thềm SEA Games 31 rằng, dù đã chính thức có tên trong danh sách 20 cầu thủ trẻ, song anh vẫn lo lắng và không ngừng nỗ lực tập luyện, phấn đấu hết khả năng, nhằm đáp ứng về mặt chuyên môn Ban huấn luyện đề ra mới hy vọng có cơ hội xuất phát trong đội hình chính ở từng trận đấu.

Không chỉ diễn ra một cuộc “nội chiến” giữa những đồng đội ở cấp độ đội tuyển quốc gia, tại các Trung tâm đào tạo, huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao các địa phương trong nước, vốn là “cái nôi” đào tạo vận động viên xuất sắc để lãnh trọng trách “săn” huy chương về cho thể thao thành tích cao địa phương cũng luôn có sự đua tranh quyết liệt.

Các tỉnh thành vốn là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… với tiềm lực kinh tế hùng hậu, luôn có chiến lược săn lùng, tìm kiếm các tài năng ở tất cả các bộ môn và đưa ra những chính sách đãi ngộ hậu hĩnh xứng đáng để “chiêu đãi nhân tài”, mời chào vận động viên về đầu quân, thi đấu nhằm gặt hái thêm nhiều thành tích.

Tuy nhiên, ở “cuộc chiến” này, các vận động viên là những người được hưởng lợi nhiều nhất, bởi họ có quyền tự quyết, lựa chọn môi trường để cống hiến, với điều kiện tập luyện chuyên nghiệp, tốt hơn và thu nhập khá hơn, đảm bảo cho tương lai sau khi đã giải nghệ.

Tất nhiên với điều kiện là khi đã hết ràng buộc hợp đồng với đơn vị chủ quản. Bởi thế xảy ra những trường hợp vận động viên của địa phương này song lại thi đấu cho địa phương khác. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các tỉnh thành kinh tế phát triển, luôn có lực lượng vận động viên hùng hậu tham gia tranh tài ở các giải đấu và chiếm ưu thế, giành được nhiều bộ huy chương.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.