Nghĩ từ tấm vé xem bóng đá SEA Games
8 giờ sáng 3/5, sân vận động Việt Trì (Phú Thọ) tổ chức bán vé 4 trận đấu vòng bảng của đội tuyển U23 Việt Nam.
Thế nhưng từ đêm hôm trước, nhiều người dân đã xếp hàng, “đặt gạch”, trải chiếu xuyên đêm để mong sở hữu tấm vé theo dõi những Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh và các đàn em thi đấu. Dù vậy, theo ghi nhận, tình trạng phân phối vé diễn ra quá chậm chạp. Vé tại quầy chỉ được bán duy nhất ở một địa điểm theo hình thức một cửa. Mỗi khán giả chỉ có thể mua 2 vé cho một trận đấu thuộc khuôn khổ bảng đấu của U23 Việt Nam.
Cổ động viên chen lấn muaves xem bóng đá nam U23 Việt Nam. Ảnh: Vnexpress |
Trước đó, từ 15 giờ chiều 1/5, ban tổ chức đã mở bán vé trên hai trang seagames2021.com và digiticket.vn. Dù vậy, rất nhiều đồng nghiệp phản ánh họ không thể mua vé khi vào hai trang web mà ban tổ chức cung cấp. Có hai lý do chính: không tìm thấy cửa sổ mua vé và… nghẽn mạng!
Trước đó nữa, Ban tổ chức sân Việt Trì cho biết họ đã nhận được hàng chục nghìn công văn đăng ký mua vé, trong khi đó sức chứa của sân vận động này chỉ 20 nghìn người.
Tôi nhìn hình ảnh dòng người dài dằng dặc xếp hàng với gương mặt mất ngủ, mệt mỏi mà cám cảnh cho fan hâm mộ. Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra cảnh tượng người hâm mộ quá vất vả khi mua vé xem bóng đá. Rất nhiều lần chúng ta thấy cảnh người hâm mộ đội mưa, gió, rét mướt cả ngày trời để mong sở hữu một tấm vé vào sân cổ vũ cho các chiến binh áo đỏ.
Rõ ràng, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần phải chuyển đổi số quyết liệt hơn, nhất là ở khâu bán vé xem bóng đá, vốn được coi là vấn đề bức xúc lâu nay. Không thể để tình trạng dư luận kêu ca mua vé xem bóng đá ở ta, đặc biệt vé SEA Games, khó khăn nhất… thế giới.
Mà đúng thế thật, hồi EURO 2016, tôi ngồi ở Việt Nam vẫn có thể nhanh chóng đăng ký mua vé tại Paris. Hoặc năm 2018, để đến được Nga xem World Cup tôi chỉ việc lên mạng đăng ký mua vé xem một trận đấu bất kỳ. Lập tức, ban tổ chức sẽ cung cấp cho một Fan Idi (là một cái thẻ để thay thế visa) và gửi Fan Idi từ Nga về tận địa chỉ nhà. Thế là nghiễm nhiên tôi có thể đến Nga xem World Cup.
Nếu để ý, có thể thấy đằng sau tấm vé xem bóng đá SEA Games thể hiện nhiều thói quen cố hữu. Thứ nhất là thói quen độc quyền. VFF và ban tổ chức các sân lâu nay thường độc quyền phân phối vé bóng đá. Từ độc quyền dẫn đến lạm quyền, thích bán khi nào, cho ai, số lượng bao nhiêu…, thậm chí tiêu cực, là khó tránh khỏi...
Cuối cùng, phải chắc chắn rằng không phải trong các dòng người đang chịu khổ mua vé kia toàn là người hâm mộ chân chính. Thay vào đó, rất nhiều cò vé đang làm mọi cách để có được càng nhiều vé càng tốt.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn nổi tiếng cuồng nhiệt. Không chỉ ở sân nhà, họ sẵn sàng hy sinh nhiều thứ để đồng hành với các đội tuyển quốc gia khi ra nước ngoài thi đấu. Do đó, VFF cần phải biết quý trọng tình cảm tuyệt vời đó, để những tấm vé đến tay người hâm mộ chân chính được thuận lợi và cơ bản đúng giá gốc, thay vì giá "cắt cổ".
Dĩ nhiên, đây không chỉ là câu chuyện riêng của bóng đá!
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc