Multimedia Đọc Báo in

Vui khỏe cùng dân vũ thể thao

08:13, 03/08/2022

Thời gian qua, phong trào tập luyện dân vũ thể thao trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, tạo sân chơi bổ ích, vui khỏe.

Tham gia Hội thi Dân vũ thể thao do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Buôn Ma Thuột vừa tổ chức, Hội LHPN xã Hòa Thắng có số lượng thành viên tham gia đông nhất với 60 người đã giành 2 giải là giải Ba và giải Phong trào.

Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Thắng Võ Thị Hương chia sẻ, dân vũ thể thao đã trở thành một bộ môn yêu thích của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã. Tại địa phương hiện có 5 câu lạc bộ (CLB) dân vũ, khiêu vũ đang hoạt động, mỗi CLB khoảng 30 người, có độ tuổi từ 18 - 75.

Các CLB có quy chế hoạt động rõ ràng, cùng với luyện tập nâng cao sức khỏe còn tăng cường mối quan tâm gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Sắp tới xã sẽ thành lập thêm 2 CLB dân vũ thể thao tại hai buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để thu hút chị em ở đây cùng tham gia phong trào.

Phần dự thi của Hội LHPN phường Tân Thành tại Hội thi Dân vũ thể thao do Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột tổ chức.

Dân vũ thể thao là bộ môn đơn giản nhưng rất vui nhộn và hướng về cộng đồng. Với những động tác vui tươi, không yêu cầu cao về kỹ thuật, được cải biên từ các điệu nhảy, đồng thời được lồng ghép qua các bài nhạc sinh động, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, phù hợp với nhiều lứa tuổi nên có sức thu hút lớn trong cộng đồng.

Bà Đỗ Thị Tố Nguyệt (thôn 5, xã Hòa Thắng) cho hay, dân vũ thể thao đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của phụ nữ thôn 5. Đa số chị em là tiểu thương, buôn bán, ban ngày rất bận rộn nên tranh thủ thời gian buổi tối để tập luyện. Từ đó giúp tinh thần vui vẻ, cơ thể khỏe mạnh hơn. Vừa qua, Chi hội Phụ nữ thôn 5 đại diện cho Hội LHPN xã Hòa Thắng tham gia Hội thi Dân vũ thể thao trực tuyến năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đoạt giải Khuyến khích.

Tại xã Ea Tu, phong trào dân vũ thể thao cũng lan tỏa sâu rộng đến các buôn, được chị em hưởng ứng tích cực. Chị H’Phiệt Niê (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Kmơng Prông A) cho hay, buôn Kmơng Prông A hiện có 1 CLB thể dục dưỡng sinh và 1 CLB dân vũ thể thao đang hoạt động. Chị em hằng ngày bận bịu với công việc nương rẫy nhưng buổi tối lại rủ nhau cùng tập. Mọi người chịu khó tìm tòi, tập luyện những động tác mới, bài mới với những bước nhảy khỏe, đẹp, tạo sự phấn khởi, hứng thú khi tham gia CLB. Từ đó, chị em trở nên gắn kết hơn, cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.

Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có 57 CLB thuộc các loại hình thể dục thể thao như: dân vũ thể thao, bóng chuyền, khiêu vũ... đang hoạt động sôi nổi.

Phần dự thi của Hội LHPN xã Ea Tu tại Hội thi Dân vũ thể thao do Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột tổ chức.

Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, phong trào dân vũ thể thao đã thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia, góp phần tạo sức hút cho hoạt động hội. Thông qua các CLB dân vũ, Hội lồng ghép những buổi sinh hoạt phổ biến, tuyên truyền kiến thức xã hội, nhận thức pháp luật cho chị em. Năm nay là năm đầu tiên Hội LHPN TP. Buôn Ma Thuột tổ chức một hội thi dân vũ thể thao cho phụ nữ ở tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố.

Với niềm đam mê, sự nhiệt tình, chu đáo, các đơn vị đã mang đến hội thi một chương trình đặc sắc, thể hiện sự chuẩn bị công phu từ nội dung tập luyện cho đến trang phục, hình thức. Từ đó thể hiện hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới có sức khỏe để thực hiện tốt trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước. Hội thi tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, là nơi giao lưu cho hội viên, phụ nữ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Qua đó, Hội sẽ lan tỏa tinh thần, phong trào thể dục thể thao, đặc biệt là phong trào dân vũ thể thao sâu rộng trong các tầng lớp hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.