Multimedia Đọc Báo in

Hãy nuôi dưỡng giấc mơ châu Á

07:53, 29/11/2022

Hôm nay, mọi người sẽ chia tay đội tuyển Qatar trong cảm xúc luyến tiếc sau trận đấu với Hà Lan. Thực ra, họ là một trong những đội bị loại sớm khi để thua cả hai trận. Tuy thế, giấc mơ World Cup chưa khép lại với chủ nhà và với châu Á.

1. Nhiều người có thể “cười mỉm” về đẳng cấp của đội tuyển Qatar đã không như kỳ vọng, khi quá dễ dàng bị Ecuador và Senegal nhấn chìm. Nhưng, có vẻ như mục đích của Qatar đã không bó hẹp ở thành tích.Họ hướng đến những giá trị cao đẹp hơn. 

Hãy nhìn lại năm 2006, dân số của Qatar chỉ hơn 1 triệu người. Giờ đây, dân số của họ đã tăng gần gấp 3 lần, lên gần 3 triệu người. Họ tự hào trở thành quốc gia đầu tiên trong thế giới các nước Ả rập đăng cai World Cup. Trước đó, Qatar đã xuất hiện trên bản đồ tennis thế giới với giải Doha ATP 250, đua xe Công thức 1 với Qatar GP. Qatar hoàn thành một phần tham vọng biến quốc gia nhỏ bé này trở thành trung tâm của văn hóa, thể thao, giáo dục của khu vực Trung Đông, châu lục và thế giới. 220 tỷ USD là con số khổng lồ, thậm chí lớn hơn cả GDP (180 tỷ) của đất nước này.

Nhưng, khoảng 70% chi phí đổ vào cơ sở hạ tầng, là đường xá, metro dưới lòng đất, hệ thống khách sạn. Hay sự lãng phí của nó khi xây mới 7 sân vận động trong khi giải bóng đá quốc nội chỉ có 12 câu lạc bộ chuyên nghiệp sẽ được tận dụng phần nào cho việc đăng cai Vòng chung kết Asian Cup 2023. Qatar sau hai lần thất bại trong việc đăng cai Olympic đã lên kế hoạch chạy đua cho Olympic 2032. Nếu thắng, Qatar sẽ làm được điều phi thường mà ở châu Á mới chỉ có hai quốc gia từng đăng cai cả World Cup lẫn Olympic là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là chiến thắng của tầm nhìn mà những quốc gia Ả rập cũng giàu có bằng nghề hút dầu mỏ khác không có. Đăng cai World Cup khó hơn rất nhiều so với tham dự World Cup. Được tổ chức Olympic khó hơn rất, rất nhiều lần so với việc giành được một vài tấm Huy chương Vàng ở đó. Qatar với Doha là thủ đô coi đó như một cột mốc lịch sử khác của riêng họ trong tham vọng nâng tầm vị thế quốc gia, âm thầm chạy đua với những người hàng xóm khổng lồ UAE và Saudi Arabia cùng thuộc thế giới Ả rập. Cột mốc thứ 2 của Qatar là Asian Games 2006, sự kiện thể thao lớn nhất châu Á. Các cuộc tranh tài diễn ra trong những khu tổ hợp thể thao khổng lồ vừa mới xây dựng. Các vận động viên và giới truyền thông ở trong những căn hộ vừa kịp khánh thành ở những khu đô thị mới của một Doha mở rộng về quy mô đô thị và lột xác ngoạn mục về sự hoành tráng về kiến trúc và táo bạo trong công cuộc biến biển khơi thành đô thị. Tóm lại, thông qua việc đăng cai World Cup, Qatar đã vươn mình ra thế giới với tốc độ và hình ảnh không thể hiểu thô thiển dưới tốc độ bay của quả bóng.

2

Đội tuyển Nhật Bản vẫn là niềm tự hào của bóng đá châu Á.

. Đấy còn là thành quả chung của châu Á. Năm 2002, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã bật lên rất nhiều nhờ cùng đăng cai World Cup, giải bóng đá vô địch thế giới đầu tiên của thế kỷ 21. Nước Nhật vốn đã bắt đầu chuẩn bị cho việc này từ năm 1988, và thậm chí còn công bố tên thành phố sẽ được chọn để tổ chức. So với Nhật Bản, Hàn Quốc bắt đầu cuộc đua tương đối muộn nên lợi thế lúc đầu hoàn toàn nghiêng về phía Nhật Bản. Sự căng thẳng kéo dài tuy nhiên hai quốc gia đã chịu nhìn về một hướng để cùng nhau tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

World Cup 2002 là một bước ngoặt quan trọng để bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản tìm thấy “bí kíp” để tiến tới “tiêu chuẩn quốc tế”. Hàng loạt cầu thủ khẳng định được tên tuổi và ký hợp đồng với những câu lạc bộ hàng đầu thế giới. Riêng Hàn Quốc đã lọt đến bán kết, liên tục có mặt ở World Cup những lần sau đó.

Chúng ta có thể cảm nhận rất rõ “hào khí châu Á” cuộn dâng mạnh mẽ  tại World Cup 2022 này. Đã có những chiến thắng chấn động như Nhật Bản trước Đức, Saudi Arabia trước Argentina. Tuy thế, cũng phải nhìn thẳng con đường hội nhập với bóng đá thế giới vẫn còn cần thêm nhiều thời gian với các đại diện châu Á. Nên nhớ, Nhật Bản tái gia nhập FIFA vào năm 1950, đã phải trải qua hành trình rất gian nan kéo dài 4 thập kỷ để có thể đến được với ngày hội bóng đá thế giới - World Cup 1998. Dù toàn thua cả ba trận vòng bảng World Cup 1998 nhưng việc lần đầu ra sân chơi lớn thế giới vẫn là cú hích quan trọng để bóng đá Nhật Bản tiếp tục phát triển trong những năm sau đó, để rồi sau kỳ World Cup này, họ chưa bao giờ vắng mặt ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh trong suốt 6 kỳ World Cup liên tiếp gần đây nhất, trong đó có ba lần vượt qua vòng bảng vào các năm 2002, 2010 và 2018.

Tương tự như Nhật Bản, Iran - đội bóng số 1 châu lục cũng phải trải qua hành trình rất gian nan từ những ngày đầu để có vé dự World Cup. Ở thời điểm kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức vào năm 1930, phải đến năm 1941, Iran mới có trận đấu quốc tế đầu tiên. Hơn 3 thập kỷ sau, Iran lần đầu tham dự loại World năm 1978. Kể từ sau lần đầu tiên ấy, phải tới 20 năm sau, Iran mới lần thứ hai có vé dự World Cup 1998. Tiếp đó là quãng thời gian trầy trật và phải từ World Cup 2010, Iran mới liên tục góp mặt trong hai kỳ World Cup gần nhất năm 2014 và 2018. Australia cũng phải trải qua chặng đường rất gian lao để khẳng định vị thế ở sân chơi lớn nhất hành tinh. Trong 16 lần tham dự vòng loại các kỳ World Cup, với lần đầu tiên là vào năm 1966, Australia mới chỉ thành công trong 5 lần để có vé dự vòng chung kết các năm 1974, 2006, 2010, 2014 , 2018,  2022.

Nói thế để thấy việc Qatar tổ chức World Cup đã tạo nên một nguồn cảm hứng rất lớn cho bóng đá châu Á,  trong đó có Việt Nam. "Các chiến binh áo đỏ" của chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, lọt đến tận vòng loại cuối cùng World Cup 2022, tấm vé dự World Cup không còn mơ hồ  nữa.

Tại World Cup 2022,  6 đại diện châu Á vẫn đang gặp nhiều thử thách. Nhật Bản đã để thua Costa Rica, trong khi Saudi Arabia thua Ba Lan 0-2. Dù vậy, tâm thế và trình độ của các đội bóng châu Á đã có những bước phát triển rất dài, để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ World Cup.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc