Phát triển sâu rộng phong trào thể thao
Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo kêu gọi toàn dân tập thể dục vào ngày 27/3/1946 đến nay, lời khẳng định “dân cường thì quốc thịnh” của Bác đã trở thành quan điểm định hướng xuyên suốt hành trình phát triển của thể thao Việt Nam.
Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) của đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, hoạch định chính sách quan trọng về TDTT gắn với điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của đất nước. Nhất quán quan điểm đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước, công tác huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho TDTT ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng điểm, qua đó hoạt động TDTT đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Theo đánh giá của Tổng cục Thể dục - Thể thao, kết quả nổi bật nhất của hoạt động TDTT những năm qua là thể thao quần chúng ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Thể thao thành tích cao có bước phát triển tích cực, một số môn thể thao đã có sự đột phá, đạt trình độ châu lục và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (bìa phải) và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao giải toàn đoàn cho các đơn vị tham gia Hội thao khối Đảng tỉnh lần thứ XXI năm 2023. Ảnh: Thế Hùng |
Tại Đắk Lắk, Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, lồng ghép với việc thực hiện phong trào, cuộc vận động lớn, chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo thành phong trào rèn luyện thân thể sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn. Phong trào thể thao quần chúng thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân và các độ tuổi tham gia các môn thể thao, với nhiều hình thức tập luyện, góp phần tăng cường sức khỏe cho người dân và tạo nền tảng giúp thể thao thành tích cao ngày càng phát triển. Với chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, thể thao thành tích cao Đắk Lắk những năm qua luôn giữ vị trí dẫn đầu khu vực Tây Nguyên; có nhiều đóng góp vào thành tích thể thao đỉnh cao của cả nước, số vận động viên tỉnh Đắk Lắk giành huy chương tại các giải thi đấu quốc gia, quốc tế ngày càng tăng.
Tuy nhiên, hoạt động thể dục thể thao vẫn còn những mặt hạn chế, đơn cử như ở đô thị chưa có nhiều không gian dành cho hoạt động này, ở nông thôn còn rất ít phương tiện, thiết bị phục vụ tập luyện; hoạt động rèn luyện thể chất trong nhà trường còn chưa phong phú và thiết thực, đầu tư cho thể thao thành tích cao chưa tương xứng, tỷ lệ người tham gia rèn luyện thân thể có tăng nhưng chưa đều, chưa thường xuyên…
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ nhiệm vụ: đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT, nâng cao sức khỏe cho người dân cả về thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống; tạo điều kiện về cơ sở vật chất để nhiều người dân được tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe. Trên tinh thần đó, trong thực hiện Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 cần những giải pháp thiết thực để thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030. Trước hết cần tăng cường tuyên truyền các mô hình TDTT vì sức khỏe cộng đồng, tăng số lượng người tham gia luyện tập thường xuyên, tạo ra phong trào rộng khắp tập luyện TDTT ở các độ tuổi, giới tính, phù hợp với đặc điểm thể chất và điều kiện sống của người dân. Cùng với đó là phát triển các thiết chế TDTT, tạo điều kiện để mọi người tập luyện thể thao thường xuyên. Đồng thời, tổ chức các giải thể thao để người dân thể hiện và khẳng định trình độ tập luyện, góp phần tuyên truyền các tấm gương luyện tập TDTT, thiết thực lan tỏa tinh thần tập luyện TDTT
Cần nhìn nhận một thực tế là hoạt động TDTT ngày càng đa dạng cả về hình thức lẫn nội dung, với quy mô ngày càng cao, đòi hỏi phải tăng cường công tác quản lý nhà nước, đổi mới phương thức hoạt động của các thiết chế thể thao, thay đổi cách thức cung ứng dịch vụ TDTT, nhất là các dịch vụ TDTT cho đối tượng người cao tuổi trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ, việc áp dụng khoa học công nghệ, sự phát triển các nội dung tập luyện trên các nền tảng số, mạng xã hội… cũng cần được lưu tâm.
Ngọc Hoa
Ý kiến bạn đọc